Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện nhất quán chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo:

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

07:00, 14/09/2023

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, ban hành và thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, nhận thức về tôn giáo của Đảng có nhiều đổi mới, phát triển. Bước ngoặt quan trọng mở ra giai đoạn mới trong nhận thức của Đảng được đánh dấu bằng Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Nghị quyết khẳng định: “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đoàn kết lương giáo, đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Điểm nhóm Tin lành buôn Pu (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng nhà nguyện.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 24, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) đến nay, Đảng ta luôn có những bước phát triển về nhận thức, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhằm phát huy tốt nhất vai trò của tôn giáo đối với đời sống xã hội; đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực cũng như các hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia.

Sau khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (2004) và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, Đảng ta dành sự quan tâm nhiều hơn và ưu tiên trước hết đến việc “tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo” nhằm thể chế hóa pháp lệnh, lấy đó làm cơ sở pháp lý cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo, ban hành các chính sách cụ thể đối với lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo trong những năm tới.

Nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng điểm với nhiều nội dung bổ sung, cập nhật, kế thừa. Cụ thể là: phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước; thực hiện đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người…

Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện, đã bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế. Trong đó, cùng với việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước còn tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Đồng hành vì sự phát triển chung

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 615.000 tín đồ tôn giáo (chiếm hơn 32% dân số), sinh hoạt chủ yếu tại bốn tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài. Toàn tỉnh có 845 cơ sở và điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo; 93 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 2 cơ sở được công nhận là di tích quốc gia, 6 cơ sở được công nhận di tích cấp tỉnh.

Thực hiện quan điểm, chính sách của Đảng về vấn đề tôn giáo, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; giải quyết các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tôn giáo; chú trọng phát huy vai trò của các tôn giáo trong sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Y Djan Êban (bìa trái), Mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) tuyên truyền, vận động tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo.

Đơn cử như tại huyện Cư Kuin, toàn huyện hiện có ba tôn giáo chính: Công giáo, Tin lành, Phật giáo với 58.671 người có đạo, chiếm khoảng 57,10% dân số toàn huyện. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư Kuin Phúc Bình Niê Kđăm, huyện đã thực hiện nhất quán chính sách, pháp luật về quản lý công tác tôn giáo trên địa bàn, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng hành và phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo trong những phong trào của địa phương.

 
“Để tăng cường tính chủ động, hệ thống chính quyền ở cơ sở và cơ quan chức năng cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo, từ đó tham mưu kịp thời và đưa ra những phương án xử lý phù hợp, hiệu quả. Đồng thời kiên quyết đấu tranh, xử lý các biểu hiện tiêu cực, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo triển khai các dự án phát triển kinh tế, chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống của bà con vùng có đạo. Huyện cũng đã quan tâm cấp chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, giải quyết nhà, đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo với tổng diện tích 141.324 m2. Hằng năm, UBND huyện còn phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp và nguồn lực, thế mạnh của các tôn giáo.

Buôn Kniết (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) có hơn 1.020 tín đồ tôn giáo, chiếm trên 90% dân số của buôn. Ông Y Djan Êban, đại biểu HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), Mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, địa phương luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quan tâm hỗ trợ đời sống của đồng bào có đạo. Buôn được đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm. Hộ nghèo, cận nghèo của buôn đều được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng, sửa chữa nhà. Chi hội Tin lành buôn đã được địa phương giao 1,5 sào đất và đang đề xuất cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà nguyện.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn được tỉnh quan tâm thực hiện, kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức tôn giáo. Nhờ sự gắn kết, đồng thuận và song hành giữa cấp ủy, chính quyền các cấp cùng bà con giáo dân, hoạt động của các cơ sở tôn giáo ngày càng ổn định hơn, thực hiện đúng các quy định của pháp luật và chương trình đăng ký thường niên với chính quyền địa phương. Vai trò của chức sắc, chức việc, nhà tu hành được phát huy trong việc tập hợp tín đồ, xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc