Trường học về hòa bình
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh chuyên nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày hiện vật về chứng tích các cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Theo TS. Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh, trong thế kỷ 20, nhân dân Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Pháp và Mỹ xâm lược để giành lại độc lập dân tộc. Do đó, bằng nhiều hoạt động giáo dục về giá trị của hòa bình, khơi dậy lòng yêu chuộng hòa bình, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã truyền cảm hứng và làm cho công chúng nhận thức được giá trị của hòa bình để cùng chung tay góp phần xây dựng nền hòa bình của nhân loại.
TS.Trần Xuân Thảo cho biết, thông qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật thể hiện trong trưng bày, bảo tàng đã lột tả phần nào những góc tối của chiến tranh. Nội dung trưng bày của bảo tàng không chỉ là sự minh họa về lịch sử, dân tộc, về chiến tranh mà còn là minh chứng cho những tấm lòng yêu chuộng hòa bình, khát vọng và niềm tin vào hòa bình, nhân ái.
Cuộc gặp gỡ giữa cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ và cựu chiến binh Việt Nam tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. |
Hầu hết thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đều sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc nên chưa trực tiếp trải nghiệm những mất mát đau thương cũng như sự hy sinh của các thế hệ đi trước trong chiến tranh. Để góp phần giáo dục ý thức gìn giữ hòa bình trong thanh thiếu niên, bảo tàng thường xuyên chủ động gửi thư ngỏ giới thiệu nội dung trưng bày đến các trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất để mời các em đến bảo tàng tham quan, học tập, “về nguồn”. Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức trưng bày lưu động đến các trường học, nhà máy xí nghiệp, trung tâm văn hóa, các khu công nghiệp…, góp phần trang bị những thông tin, sự hiểu biết cho cộng đồng, công chúng, trong đó có đối tượng thanh thiếu niên chưa có cơ hội đến với bảo tàng.
Những hoạt động trưng bày, giao lưu thực sự đã có tác dụng giáo dục sâu sắc không chỉ về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ đất nước mà còn về tình yêu cao đẹp trong chiến tranh, về sự hy sinh và cống hiến tuổi trẻ cho hòa bình của đất nước. Không chỉ có thanh niên Việt Nam, nhiều sinh viên, học sinh các trường đại học, trung học đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc... đã đến tham quan bảo tàng và giao lưu, gặp gỡ với các nạn nhân chiến tranh để lắng nghe những câu chuyện thật về cuộc đời của họ, để cảm thông và chia sẻ. Nhiều bạn trẻ bày tỏ quyết tâm hành động để bảo vệ hòa bình, để giúp đỡ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bên cạnh đó, thể theo nguyện vọng hợp tác của nhiều công ty du lịch, lữ hành, bảo tàng đã phối hợp xây dựng những chương trình du lịch “Vì hòa bình”, kết nối việc tham quan bảo tàng với các di tích lịch sử cách mạng khác. Đồng thời, bảo tàng còn tổ chức cho du khách giao lưu với nhân chứng chiến tranh, để họ có thể bày tỏ sự đồng cảm với nhân dân Việt Nam trong chiến tranh và khắc phục hậu quả chiến tranh, từ đó thiết thực đóng góp về tinh thần và vật chất cho Việt Nam xây dựng và phát triển.
Đối thoại chủ đề “Ghi nhớ quá khứ và xây dựng tương lai” tổ chức tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, với sự tham dự của cựu chiến binh, cựu tù chính trị Việt Nam và cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ. |
Có thể nói, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh không chỉ là một địa chỉ văn hóa thu hút du khách mà còn là “trường học về hòa bình” rất quan trọng và ý nghĩa đối với công chúng nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Bảo tàng còn trở thành “cầu nối” giữa cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh Mỹ cũng như cựu chiến binh các nước đã từng tham chiến ở Việt Nam như Hàn Quốc, Australia... Những người từng là kẻ thù trên chiến trường ngày xưa, nay có thể ngồi bên nhau chuyện trò, tâm tình, bắt tay, ôm nhau, hát tặng nhau và trở thành bạn bè của nhau…
Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã ngỏ lời xin lỗi, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được đóng góp công sức để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam. Nhiều tư liệu, hình ảnh về chiến tranh Việt Nam, về hậu quả chiến tranh, về phong trào phản chiến của nhân dân các nước trên thế giới đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam đã được các cựu chiến binh, nhiều tổ chức vì hòa bình, phóng viên, nhà nhiếp ảnh các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Anh... trao tặng cho bảo tàng.
Theo TS. Trần Xuân Thảo, từ ngày mở cửa phục vụ cho đến nay, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tiếp đón hơn 20 triệu lượt khách đến tham quan và ngày càng trở thành một điểm đến vì hòa bình, hữu nghị và phát triển. Liên tục nhiều năm, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được TripAdvisor bình chọn nằm trong top 10 bảo tàng hấp dẫn nhất thế giới. Điều đó thể hiện không chỉ nỗ lực của bảo tàng mà còn minh chứng cho sự quan tâm của công chúng đối với vấn đề chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam.
Tường Mạnh
Ý kiến bạn đọc