Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa xin lỗi và nhận lỗi trong Đảng

19:21, 19/09/2023

Quy định số 117-QĐ/TW, ngày 18/8/2023 của Bộ Chính trị về “Xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan” là văn bản có tính pháp quy đầu tiên của Đảng, cụ thể hóa quan điểm đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật oan thì được phục hồi quyền lợi một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh.

Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm, cụ thể hóa tinh thần của Đảng sau Đại hội lần thứ XIII về việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Quy định này cũng là bước góp phần hoàn thiện Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Đại hội Đảng lần thứ XIII
Đại hội đại biểu lần thứ 13 của Đảng. Ảnh: Internet

Quy định số 117-QĐ/TW gồm 4 chương, 15 điều đề cập cụ thể từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, căn cứ, trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi… cũng như những trường hợp bị oan thật nhưng không được xin lỗi, phục hồi quyền lợi và các điều khoản thi hành. Đối tượng áp dụng quy định khá rộng, không chỉ đối với tổ chức đảng, đảng viên đang làm việc mà quy định cả với những tổ chức đảng đã giải tán, đảng viên đã qua đời…

Theo đó, căn cứ để xác định một tổ chức đảng, đảng viên bị oan gồm: kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn dến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.

Theo Quy định 117, về mặt tinh thần, việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan, sai chịu trách nhiệm thực hiện. Cùng với đó là việc bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan. Đồng thời giải quyết oan sai phải triệt để kể cả khi người bị oan đã qua đời thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên. Còn bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp khác cho người bị oan thì Quy định 117 yêu cầu thực hiện theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thực tế cuộc sống cho thấy khi xử lý công việc chắc chắn không thể nào tránh khỏi nhầm lẫn, sai sót. Công tác kiểm tra, giám, sát và kỷ luật Đảng cũng không ngoại lệ. Cối lõi của vấn đề là làm thế nào để hạn chế ở mức thấp nhất, không xảy ra oan sai và phải khắc phục oan, sai như thế nào. Mặt khác, nhận ra sai sót, xin lỗi, bồi thường công khai sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch hơn, thể hiện thái độ lắng nghe, chia sẻ đối với tổ chức đảng, đảng viên.

Trong lịch sử, Đảng ta cũng đã từng sửa sai, chủ động sửa sai như vấn đề khoán hộ, đổi mới trong nông nghiệp; hay những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Quy định 117 cho thấy cùng với Quy định 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, tổ chức đảng, đảng viên sai phạm cần bị kỷ luật nghiêm minh song cũng đặt ra yêu cầu phải giải quyết hợp tình, hợp lý những trường hợp bị kỷ luật oan sai. Tinh thần công - tội rạch ròi: cán bộ làm sai phải bị xử lý, ngược lại cán bộ bị kỷ luật sai cũng phải được xin lỗi, khắc phục.

 Tuy nhiên, có những vụ việc gây ra oan, sai mà không thể chỉ xin lỗi là xong, là phục hồi được danh dự, nhân phẩm, sự nghiệp chính trị, liên quan mối quan hệ người thân, gia đình của cán bộ, đảng viên… Chính vì vậy, Quy định 117 cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo tổ chức đảng, đảng viên phải luôn cẩn trọng, cân nhắc, có thái độ tiếp thu, cầu tiến trước khi đưa ra những quyết định xử lý. Cán bộ từ Trung ương đến cơ sở phải thường xuyên tự trui rèn, tu dưỡng bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm, thận trọng, khách quan để ít xảy ra lỗi nhất. Mặt khác, sự ra đời của Quy định 117 cùng với các quy định khác đi vào thực tiễn sẽ kịp thời khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị. Qua đó tiếp thêm động lực, niềm tin để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, cống hiến, đương đầu với khó khăn, thử thách, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

ThS. Nguyễn Thị Vân Lam

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.