Xô viết Nghệ Tĩnh - vang mãi bản anh hùng ca cách mạng!
Xô viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, là cuộc đấu tranh giai cấp sâu rộng của quần chúng công nông Nghệ Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Vang mãi bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam, 93 năm qua, âm hưởng, hào khí phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục trở thành nguồn cổ vũ, sức mạnh to lớn.
Khơi dậy sức mạnh của nhân dân
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dù vừa mới ra đời nhưng Đảng ta đã thể hiện rõ vai trò, uy tín, sức chiến đấu trong lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là phát huy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh quần chúng nhân dân.
Để đảm đương vai trò lãnh đạo, Đảng đã phát triển hệ thống tổ chức như các tổ chức quần chúng ở khắp các nhà máy, đồn điền, xí nghiệp, hầm mỏ, ở thành phố và các vùng nông thôn trên phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh bùng lên mạnh mẽ khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Mở đầu cho cao trào cách mạng là cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của hơn 1.000 công nhân Bến Thủy (Vinh) đòi giới chủ tăng lương, giảm giờ làm, chia ruộng đất, giảm sưu thuế. Phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao bằng cuộc biểu tình với quy mô ngày càng lớn và quyết liệt của hơn 2.000 nông dân Thanh Chương (Nghệ An) ngày 1/9/1930, sự kiện này là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh. Đỉnh cao là cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930 phản đối chính sách khủng bố của đế quốc và tay sai. Đoàn biểu tình kéo thành hàng dài tiến về đến thành phố Vinh, số lượng người biểu tình tăng lên đến khoảng 30.000 người.
Hoảng sợ trước cao trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã dùng mọi biện pháp để khủng bố nhằm chia rẽ lực lượng cách mạng, cô lập Đảng và tiêu diệt phong trào. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng vạch ra những nhiệm vụ cần làm ngay như yêu cầu quốc tế hưởng ứng, nhất là Đảng Cộng sản Pháp; đăng báo quốc tế kể tội tàn ác của đế quốc Pháp; phát truyền đơn khắp toàn quốc phản đối; kêu gọi nhân dân trong cả nước tiến hành một phong trào đấu tranh rộng lớn…
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng. |
Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định sứ mệnh lịch sử của Đảng là lãnh đạo cách mạng Việt Nam; khẳng định xây dựng khối liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân làm lực lượng cơ bản cho cách mạng. Qua thực tiễn lãnh đạo, uy tín của Đảng Cộng sản Đông Dương đã được khẳng định và nâng cao với Quốc tế Cộng sản cùng các đảng cộng sản. Do đó, từ một phân bộ trực thuộc Đảng Cộng sản Pháp, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (11/4/1931) công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là “phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản”. Đó là một vinh dự lớn đối với một đảng mới ra đời và hoạt động lãnh đạo cách mạng.
Khẳng định tinh thần yêu nước, sự đoàn kết và sức mạnh của nhân dân ta
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh đã nổ ra trên khắp đất nước, từ các cuộc bãi công của công nhân trong các nhà máy, đồn điền đến các cuộc mít tinh, biểu tình của nông dân; từ những cuộc đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ đến các cuộc đấu tranh vũ trang trực diện, đánh đổ chính quyền cơ sở địch, lập chính quyền công nông của nhân dân.
Trước sức mạnh của quần chúng, hệ thống chính quyền thực dân, phong kiến ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị rối loạn. Bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở cấp xã hết sức rối ren, bị tê liệt hoặc tự tan rã. Quan lại tự nộp lại ấn tín hoặc bỏ trốn... Mặc dù phong trào cách mạng bị đàn áp, tổn thất nhưng đến cuối năm 1931, nhiều cuộc mít tinh và biểu tình nhỏ của quần chúng vẫn còn nổ ra ở một số xã; việc rải truyền đơn và treo cờ đỏ còn kéo dài đến đầu năm 1932.
Trung ương Đảng nhận định: “Đây là lần đầu tiên dân cày, thợ thuyền và lính khố xanh đã siết chặt tay nhau trên chiến trường, đoàn kết lại để hình thành một đoàn thể duy nhất, một đạo quân duy nhất”. Rõ ràng, qua phong trào cách mạng, giai cấp công nhân và nông dân đã thể hiện vai trò “là gốc của cách mệnh”, là lực lượng chủ yếu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, từ phong trào đã hình thành một đội ngũ cán bộ cách mạng được trui rèn, tôi luyện qua đấu tranh, trở thành hạt nhân tích cực trong các cao trào cách mạng giải phóng dân tộc những năm 1936 - 1939 và 1939 - 1945 cũng như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Khẳng định khát vọng về một nhà nước do nhân dân làm chủ
Sau các cuộc đấu tranh của quần chúng, chính quyền thực dân ở nhiều làng, xã bị tan rã, thay vào đó là các chính quyền Xô viết lần lượt xuất hiện trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo đó, các tổ chức đảng ở địa phương chủ động lãnh đạo các ban chấp hành nông hội ở thôn, xã (thôn bộ nông, xã bộ nông) đứng ra quản lý mọi mặt đời sống xã hội ở nông thôn. Những “làng đỏ” tự do hình thành ở nhiều vùng nông thôn thuộc các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu (Nghệ An), Can Lộc, Đức Thọ (Hà Tĩnh)... Trên thực tế trong các “làng đỏ” tự do đó, một chính quyền cách mạng của nông dân theo hình thức các ủy ban tự quản theo kiểu Xô viết đã ra đời.
Trong các “làng đỏ”, luật lệ của chính quyền thuộc địa bị xóa bỏ, quần chúng nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, tự tổ chức, quản lý đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Đây chính là hình thức nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chính quyền cách mạng sơ khai này đã đáp ứng được khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập, tự do của nhân dân, mang đến diện mạo mới cho các làng, xã nông thôn Nghệ - Tĩnh.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc