Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự BRF-3:
Thành công kép trong hoạt động đối ngoại, cùng hợp tác và phát triển
Chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ ba của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vừa kết thúc thành công tốt đẹp.
Là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước trong năm 2023, kết quả của chuyến đi một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới; đồng thời tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đạt được trong chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mùa thu năm 2022.
Hợp tác cùng phát triển
Tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong chương trình tham dự BRF lần thứ ba, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ khai mạc trọng thể với sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế và hơn 20 Nguyên thủ quốc gia/Người đứng đầu Chính phủ đã đến tham dự Diễn đàn. Đây cũng là hội nghị Vành đai và Con đường lần đầu tiên sau một giai đoạn dài gián đoạn do dịch bệnh nên được Trung Quốc và các nước hết sức coi trọng và quan tâm. Chính vì thế, sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trong phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, với quyết tâm cao, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, Vành đai và Con đường trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu, là khuôn khổ hợp tác mở, bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên họp cấp cao với chủ đề “Kinh tế số - Động lực mới của tăng trưởng”. Ảnh: TTXVN |
“Việt Nam luôn ủng hộ những sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chúng tôi đánh giá cao, hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi xướng, trong đó có Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trao đổi về kinh tế số - động lực mới của tăng trưởng, Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số. Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định: Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên ba trụ cột: Thể chế số; hạ tầng số và nhân lực số. Theo đó, hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, đảm bảo sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân; tạo môi trường kinh doanh thân thiện và hấp dẫn; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia. Hợp tác về hạ tầng số để phát triển hạ tầng số đảm bảo khả năng tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Hợp tác về nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng - cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Diễn đàn cùng đóng góp của các Bộ trưởng tại các phiên thảo luận chuyên ngành được các đại biểu đồng tình, đánh giá cao.
Trong hai ngày tham dự Diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc. Trong trao đổi, các đối tác đều thể hiện coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam; mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất với Việt Nam, mở rộng và làm sâu sắc thêm nội hàm hợp tác kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa và nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thông qua các hoạt động của Chủ tịch nước tại Diễn đàn cũng như các hoạt động bên lề, đã khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội XIII, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như lập trường rõ ràng về sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, với những sáng kiến có lợi cho hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Kết quả của Diễn đàn lần này sẽ hỗ trợ cho việc triển khai thoả thuận về kết nối khuôn khổ Hai hàng lang, Một Vành đai của Việt Nam và sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Có thể thấy, việc Chủ tịch nước tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại BRF lần thứ ba đã đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hiệp quốc. Không chỉ có vậy, đây cũng là dịp quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ các thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam, thu hút hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm và lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu
Ngay sau khi kết thúc tham dự BRF lần thứ ba, tại thủ đô Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã lần lượt có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có các hoạt động hội kiến song phương với Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam. Các cuộc hội kiến của Chủ tịch nước lần này là sự tiếp nối của một loạt hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước kể từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN |
Trong hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi việc củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung quốc; hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam phát triển lớn mạnh; thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa để hai nước cùng nhau phát triển. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giao lưu nhân dân và thông tin tuyên truyền hữu nghị, củng cố nền tảng xã hội; xử lý ổn thỏa và kiểm soát tốt bất đồng, vì hòa bình, ổn định ở trên biển và khu vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm đã góp phần tiếp tục cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022, thể hiện trên 3 phương diện: Duy trì xu thế đi lên và tiếp thêm động lực tích cực mới cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tin cậy chính trị, làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn mới.
Qua chuyến đi, giúp gia tăng nhận thức chung về những phương hướng, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả; tăng cường kết nối chiến lược giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với “Vành đai và Con đường”; ưu tiên hơn nữa cho kết nối đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, góp phần bảo đảm thông suốt chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa hai nước và khu vực. Cùng với đó là tiếp tục phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố nền tảng dư luận xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ song phương.
Chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam thể hiện sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu. Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các Nhà Lãnh đạo Trung Quốc và các nước trao đổi và thảo luận những nội dung phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như tăng trưởng xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chống tham nhũng và bảo đảm liêm chính trong quá trình hợp tác kinh tế… sẽ góp phần tạo ra những bài học, kinh nghiệm, qua đó tranh thủ những nguồn lực và mở rộng hợp tác kinh tế.
Hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự BRF lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và sự chủ động tích cực trong việc tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Các cuộc hội kiến, trao đổi giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, duy trì đà quan hệ cũng như tạo ra những cơ hội hợp tác mới; góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc