Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có kịch bản ứng phó kịp thời cho các vấn đề phát sinh

19:55, 31/10/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình phát triển KT-XH, đại biểu nhận định, 9 tháng năm 2023, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình KT-XH nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Ba động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra; chủ động có kịch bản ứng phó và những chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời với những vấn đề phát sinh.

Trong đó, Chính phủ cần có kế hoạch và danh mục chi tiết, tập trung hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực đầu tư công, đồng thời cần nghiên cứu phân cấp mạnh hơn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, để địa phương thực hiện.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản; quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển để hướng tới một nền kinh tế tự chủ, phát triển ổn định và bền vững.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm; có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là ngành công nghiệp cơ khí…

Một số đại biểu phân tích: báo cáo của Chính phủ cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã bốn lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định.

Đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai…

Về chỉ tiêu năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu cho biết, trong 3 năm vừa qua, chúng ta đều chưa hoàn thành chỉ tiêu này. Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta vẫn còn thiếu hụt. Do vậy cần có chính sách đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang là rào cản với sự phát triển nhân lực chất lượng cao.

Đại biểu kiến nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động. Quốc hội cần sớm có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động, năng suất lao động, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội ban hành chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vẫn rất khó khăn. Tỷ lệ nghèo, cận nghèo của các hộ dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Về mặt đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp, đáng lo ngại gây bức xúc trong xã hội qua những đại án về hình sự và nhiều vụ án kinh tế. Hay như sự ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa, các hành vi bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, bạo lực nơi công cộng. Người dân bức xúc và lo ngại trước tính chất phức tạp, tinh vi, manh động, nguy hiểm của hành vi và hậu quả đau lòng.

Đại biểu cho rằng đạo đức hay sự xuống cấp của đạo đức lối sống cũng cần được nhìn nhận trong tất cả các hoạt động của con người trong chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đó cũng đặt trong tổng thể này.

Để giải quyết những vấn đề này, theo đại biểu, cần đánh giá mức chênh lệch của thu nhập và mức sống đang ở mức nào để có giải pháp xử lý sao cho khoảng cách thu nhập ở mức thích hợp. Hoàn thiện cơ chế tạo ra sự tiếp cận bình đẳng những cơ hội dưới giữa những người có thu nhập cao với những người nghèo.

Thực hiện không ai bỏ lại phía sau nhưng cũng tạo điều kiện để thúc đẩy, khuyến khích sự tự tin, tự vươn lên của những ai đang ở phía sau. Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức, lối sống và công tác tuyên truyền và đạo đức lối sống; củng cố, phát huy các thiết chế xã hội cơ sở trong việc giám sát, điều chỉnh, uốn nắn, nuôi dưỡng đạo đức cá nhân. Cần giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống, định hướng, hoàn thiện các giá trị đạo đức mới…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.