Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Quy định rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

14:18, 27/10/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 5 chương với 34 điều.

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung Điều 2 để làm rõ khái niệm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân. Chỉnh lý vị trí, chức năng tại Điều 3 để thể hiện rõ hơn đây là lực lượng quần chúng được bố trí ở cơ sở, có chức năng làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn
Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn

Về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, bổ sung các quy định về quan hệ công tác; thể hiện rõ vai trò, phạm vi phối hợp, hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đối với Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ; xác định cụ thể phạm vi quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, huy động của UBND cấp xã, Công an cấp xã đối với lực lượng này đáp ứng yêu cầu thực tiễn như tại Điều 5 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; đơn giản hóa trình tự, thủ tục thành lập Tổ và công nhận các chức danh của Tổ bảo vệ ANTT; rà soát chức năng, nhiệm vụ để không chồng chéo với các lực lượng khác và bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, UBTVQH đã chỉ đạo bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước…

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong việc phối hợp để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Hội nghị đại biểu chuyên trách và ý kiến của UBNTVQH. Đa số đại biểu tán thành với các nội dung của dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý và cho rằng dự thảo luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở.

Quan tâm tới quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu cho rằng tại các điều khoản, dự thảo chưa đề cập đến việc quy định việc kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố; không có ưu tiên cho đối tượng công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. Ảnh; quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu, dự thảo Luật mới chỉ quy định ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, quy định như trên chưa đảm bảo thống nhất, chưa nhất quán, không đúng theo tinh thần đề ra. 

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số vấn đề để có quy định thống nhất, phù hợp, đảm bảo lực lượng nhưng không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Đại biểu cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập quản lý duy trì hoạt động, không phải là lực lượng chính quy, do đó không thuộc biên chế nhà nước trong hoạt động lực lượng này hưởng các chế độ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác của xã hội. Tuy nhiên cho rằng, các quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn, trình tự, thủ tục tuyển chọn… cần được đơn giản hóa hơn nữa, cơ cấu tổ chức ngành cũng cần mang tính quần chúng hơn nữa. 

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm điều luật quy định cụ thể về quyền hạn về việc bố trí, sắp xếp lực lượng, thành viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại mỗi khu vực đô thị nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số.

Về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu việc chi trả chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tại cơ sở bằng mức lương cụ thể, tính hệ số lương, để đáp ưng yêu cầu cuộc sống và thu hút được các đối tượng tham gia tích cực, hiệu quả hơn…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến tên gọi, phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; rà soát về vị trí, chức năng của lực lượng; nghiên cứu bổ sung nghĩa vụ, trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; rà soát về nguyên tắc tổ chức, hoạt động và các mối quan hệ công tác; tiêu chuẩn tuyển chọn và bố trí lực lượng…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc