Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc, một số điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội

16:10, 24/10/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24/10 Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về 6 nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thực hiện ngân sách nhà nước…

Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, các đại biểu cho rằng KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Phát biểu thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nhấn mạnh, kết quả quan trọng 9 tháng năm 2023 là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, cải cách thể chế có nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường đầu tư thu hút một số nhà đầu tư chiến lược.

Một trong những điểm sáng trong 9 tháng năm 2023 là đã phát huy tất cả các trụ cột của đối ngoại (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân). Bên cạnh đó, quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước; trong bối cảnh hiện nay chúng ta càng trân quý những gì đang có đó là hòa bình độc lập…

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh điểm sáng về kết quả thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo an sinh xã hội, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế những tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp.

Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước, thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn một số vấn đề cần quan tâm...

Các đại biểu đã phân tích các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề nghị, cùng với việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như đề xuất của Chính phủ, cần phải tiếp tục duy trì nỗ lực, quyết liệt hơn trong những năm tiếp theo và trong các tháng còn lại của cuối năm 2023. Theo đó, cần khơi thông mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội mà chúng ta đã và đang có ở ở trong nền kinh tế nước ta.

Đại biểu tham dự thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị, cần tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc một số điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ các dự án còn dang dở. 

Đồng thời, cần quan tâm và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, có giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; cần có các biện pháp căn cơ, toàn diện giải bài toán “cơn khát việc làm”; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị có chiến lược và chính sách hỗ trợ bài bản, đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tương xứng với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Về lâu dài phải thực hiện tốt vấn đề quy hoạch, tích tụ ruộng đất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Về tình trạng thiếu điện, đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chật vật phục hồi sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình trạng cắt điện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân. Nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, nguy cơ thiếu hụt nguồn điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong những mùa nắng nóng tiếp theo.

Đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị cần phải đảm bảo tiến độ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bởi qua thực tế tiếp xúc cử tri, đây là nội dung cử tri quan tâm, kiến nghị rất nhiều. Về vấn khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, đại biểu đề nghị cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, chậm thanh toán các danh mục thuốc theo bảo hiểm y tế,… Chính những bất cập này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa mặn mà với việc mua bảo hiểm y tế.

Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu cho rằng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn nhiều bất cập, điều này đã được báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục chỉ ra. Ngoài ra, có tình trạng thương mại hóa giáo dục, chưa có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất còn hạn chế. Nhấn mạnh đến chính sách giáo dục cần phải được nhà nước quan tâm, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để khắc phục sớm những bất cập trong lĩnh vực giáo dục.

Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần chỉ rõ nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và trách nhiệm trong việc thực hiện đối với từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương; tránh tình trạng nêu nhiệm vụ, giải pháp chung chung không rõ trách nhiệm dẫn đến hiệu quả triển khai thực hiện không đạt kết quả như mong muốn…

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác về: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.