Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe ý kiến của nhân dân:

Nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở

08:22, 05/10/2023

Thông qua các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn tại ở khu dân cư, tạo chuyển biến rõ nét về nhiều mặt đời sống.

Thôn Tân Lập là một địa bàn khá đặc biệt khi chỉ có 50 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Giữa năm 2022, thôn Tân Lập được chuyển từ xã Ea Knuếc về xã Hòa Đông và nằm trong đề án sáp nhập với thôn 19/5 của xã Hòa Đông. Xuất phát từ nhiều yếu tố, hệ thống chính trị tại thôn không phát huy được hiệu quả hoạt động, không tìm được "tiếng nói chung" trong cộng đồng dân cư. Chính vì thế, khi Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Đông tổ chức đối thoại ngay tại địa bàn dân cư, hầu hết các hộ dân đều cử đại diện tham gia để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến lãnh đạo xã.

Ghi nhận ý kiến chính đáng của bà con, ngay sau buổi đối thoại, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo tổ chức bầu lại thôn trưởng cũng như tập trung tháo gỡ vướng mắc của chi bộ, ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức cũng như cả hệ thống chính trị của thôn. Nhờ phát huy dân chủ, chỉ ít ngày sau khi kiện toàn hệ thống chính trị tại thôn Tân Lập, bà con trong thôn đã hồ hởi góp công góp của thực hiện tu sửa, đổ cấp phối những đoạn đường không đảm bảo nhu cầu đi lại trên địa bàn. Bà con cũng thống nhất phương án bê tông hóa sân hội trường thôn theo đúng tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tiến hành thực hiện ngay khi UBND xã cấp kinh phí hỗ trợ.

Lãnh đạo xã Hòa Đông tiếp thu và trả lời các nội dung ý kiến của người dân thôn Tân Lập

Không chỉ ở thôn Tân Lập, từ đầu năm đến nay, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã Hòa Đông đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân ở nhiều thôn, buôn trên địa bàn. Các cuộc đối thoại được ưu tiên tổ chức trước ở những địa bàn có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, đã thực sự tạo nên những “diễn đàn mở” để người dân bày tỏ ý kiến liên quan đến đời sống hằng ngày. Qua đó, lãnh đạo xã nắm bắt được những vấn đề bức thiết cần xử lý, chấn chỉnh ngay; đồng thời cung cấp thông tin, giải thích để người dân hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng địa phương.

Chẳng hạn như trong công tác cải cách hành chính, sau khi tiếp thu ý kiến của bà con, lãnh đạo xã đã triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả xử lý công vụ của cán bộ, công chức xã như các mô hình “Nhóm Zalo hướng dẫn tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính”, “Phục vụ người dân ngoài giờ hành chính”, “Tổ hướng dẫn nộp hồ sơ mức độ 3, 4 tại nhà”… Hay như việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền xã đã trực tiếp lấy ý kiến của người dân về hiệu quả hoạt động của ban tự quản thôn, buôn để tiến hành kiện toàn theo đúng quy định và phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng dân cư. 

Người dân thôn 17 thực hiện bê tông hóa đường giao thông ngõ xóm từ nguồn hỗ trợ của UBND xã và đóng góp của các hộ dân trong thôn.

Đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, thông qua các hoạt động đối thoại, người dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, cách thức thực hiện các công trình giao thông và tích cực tham gia đóng góp. Từ đầu năm đến nay, người dân đã góp công, góp của thực hiện bê tông hóa hơn 1,5 km và đổ cấp phối, đá dăm hơn 500 m đường ngõ xóm của các thôn, buôn trên địa bàn; xây dựng hai mô hình “Camera an ninh trật tự” tại thôn Hòa Thành và buôn Tara…

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông Nguyễn Xuân Hưng, các hội nghị đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân đã trở thành một cầu nối hiệu quả để cán bộ thêm gần dân, hiểu dân, cùng dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây cũng chính là một trong những cách làm hiệu quả mà Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, khơi dậy tinh thần đoàn kết, cống hiến của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, cùng kề vai, chung sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc