Multimedia Đọc Báo in

Quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi khi bị kỷ luật oan:

Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương và dân chủ trong Đảng

07:00, 27/10/2023

Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, ngày 18/8/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 117/QĐ-TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan (Quy định 117).

Đây là quy định đầu tiên bằng văn bản của Bộ Chính trị nhằm khắc phục oan sai đối với tổ chức đảng, đảng viên khi bị kỷ luật oan, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. 

Xin lỗi kịp thời, công khai, khách quan

Quy định 117 gồm 4 chương, 15 điều, đề cập cụ thể từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, căn cứ, trình tự thủ tục, thời hạn, hình thức xin lỗi và phục hồi quyền lợi… cũng như những trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan nhưng không được xin lỗi, phục hồi quyền lợi.

Đại biểu tham dự Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai Quy định số 117-QĐ/TW và các văn bản của Trung ương, của tỉnh.

Theo đó, đối tượng áp dụng Quy định 117 khá rộng, không chỉ với tổ chức đảng, đảng viên đang làm việc, mà cả những tổ chức đảng đã giải tán, đảng viên đã qua đời… Căn cứ để xác định một đảng viên hoặc tổ chức đảng bị kỷ luật oan, gồm: kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.

 

“Quy định số 117-QĐ/TW tạo sự thống nhất với các quy định về công tác cán bộ hiện nay, thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng là bảo đảm tính quy chuẩn, chặt chẽ, phù hợp với việc áp dụng pháp luật ở Việt Nam trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn.

Về nguyên tắc, Quy định 117 nêu rõ việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật oan chịu trách nhiệm thực hiện. Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan phải phối hợp với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xin lỗi; ra quyết định bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan.

Quy định 117 thể hiện rất rõ việc giải quyết oan phải triệt để, kể cả tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan đã giải tán, giải thể, chuyển giao, chia tách, sáp nhập thì tổ chức đảng tiếp nhận hoặc tổ chức đảng cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm xin lỗi. Trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan đã qua đời, tòa án tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên...

Thận trọng, trách nhiệm không để oan sai

Cùng với vấn đề tinh thần, Quy định 117 cũng yêu cầu việc bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp khác cho đảng viên bị kỷ luật oan thực hiện theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Không những vậy, quy định này còn nêu cụ thể việc phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Theo đó, tổ chức đảng bị kỷ luật oan được xem xét lại việc đánh giá phân loại hằng năm và nhiệm kỳ, xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ngay cả khi tổ chức đảng đó đã kết thúc hoạt động, giải thể, chuyển giao, chia tách, sáp nhập. Những cá nhân đảng viên bị kỷ luật oan thì tùy hình thức kỷ luật được phục hồi lại các quyền lợi đã bị ảnh hưởng, như: nhận xét, đánh giá, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, xem xét phục hồi chức vụ, bố trí vào vị trí công tác, chức vụ tương đương hoặc phục hồi đảng tịch, quyền đảng viên; phong, xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng theo quy định.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng.

Một điểm mới của Quy định 117 là yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan. Đồng thời, tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan phải công bố nội dung xin lỗi gửi các tổ chức đảng trực thuộc; đăng công khai trên báo chí địa phương, trang thông tin điện tử của cấp ủy, cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc. Đây cũng chính là lời nhắc nhở, cảnh báo tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, phát huy trách nhiệm thực thi công vụ nhằm hạn chế, không để xảy ra oan sai phải xin lỗi và khắc phục.

Quy định 117 cùng với những quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được xem là “thanh bảo kiếm” bảo vệ và khuyến khích những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc nhận ra sai sót, xin lỗi công khai và khắc phục oan sai không chỉ thể hiện sự dân chủ trong Đảng mà còn siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc