Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản

11:03, 27/11/2023

Đúng 19h5 (theo giờ địa phương) ngày 26/11, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Haneda, Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27-30/11.

Đón Chủ tịch nước và Phu nhân tại sân bay, phía Nhật Bản có Đại sứ Yamada Takio và Phu nhân; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro; Cục trưởng Cục Lễ tân, Bộ Ngoại giao Shimada; Tổng vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao; Giám đốc sân bay quốc tế Haneda.

Về phía Việt Nam có Đại sứ Phạm Quang Hiệu và Phu nhân cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán; đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Ảnh: baoquocte.vn
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Ảnh: baoquocte.vn

Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới và cũng là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ 4 của các Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973.

Diễn ra đúng vào thời khắc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân góp phần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số góp phần củng cố quan hệ giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; gặp Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản và có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Nhật Bản; dự lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; tiếp lãnh đạo một số chính đảng và một số chính trị gia Nhật Bản.

Kiều bào đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Ảnh: baoquocte.vn
Kiều bào đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Ảnh: baoquocte.vn

Tại Tokyo, Chủ tịch nước dành thời gian gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; gặp đại diện các thế hệ người Việt Nam tại Nhật Bản có nhiều đóng góp; tiếp ban lãnh đạo Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam Việt Nam và võ đạo Nhật Bản.

Trong chương trình làm việc tại Fukuoka, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng Fukuoka và Lãnh đạo các tỉnh khu vực Kyushu; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu; tiếp lãnh đạo Hiệp hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam, Hiệp hội chuyên gia Nhật - Việt; thăm Trường Đại học Kyushu và Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ pin nhiên liệu Hydrogen.

Trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của chuyến thăm, Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, cả Việt Nam và Nhật Bản đều hết sức coi trọng chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Đây là dịp để Lãnh đạo cấp cao hai nước cùng nhau trao đổi và thống nhất về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản sang một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng lợi ích và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Diễn ra vào thời khắc kỷ niệm nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm là sự kiện hết sức quan trọng trong loạt hoạt động kỷ niệm đó.

Chia sẻ về dấu mốc quan trọng giữa hai nước, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio hy vọng: “khi nhìn lại kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, các thế hệ tương lai sẽ đánh giá năm kỷ niệm có ý nghĩa kiến tạo nền tảng để quan hệ hai nước vốn ẩn chứa tiềm năng vô hạn sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng”.

Theo baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.