Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động

15:01, 23/11/2023

Sáng 23/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật và cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cho thấy dự thảo luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28 của Trung ương đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp hằng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp BHXH thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.

Về điều kiện hưởng lương hưu, đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo nêu. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp. Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Về BHXH 1 lần, đại biểu nêu quan điểm cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. Vì vậy, đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải  ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.

Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Quang cảnh phiên làm việc.
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Đồng thời, cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH…

Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, tại khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc Quỹ BHXH chưa quy định rõ cơ chế để Quỹ được công khai, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan BHXH trong khi Luật hiện hành Quỹ BHXH chủ yếu từ nguồn thu nộp của người sử dụng lao động và người lao động. Hai đối tượng này nắm bắt rất ít thông tin về nguồn Quỹ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH ngay trong luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện quy định tại Điều 30, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hệ số chênh lệch bảo lưu làm căn cứ đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động sau này. Vì hiện nay có những trường hợp đang công tác trong ngành lực lượng vũ trang và một số nghề nghiệp khác sau khi nghỉ hưu chuyển sang ngành dân sự, nếu không có quy định cụ thể thì trong luật sẽ không có hệ số chênh lệch để bảo lưu, ảnh hưởng đến quyền lợi các trường hợp này.

Liên quan đến vấn đề dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau quy định tại Điều 43 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị dự thảo không nên quy định cụm từ “tối đa” mà theo đó quy định số lượng ngày nghỉ cụ thể là 10 ngày, 7 ngày hoặc 5 ngày, đồng thời cũng nên bỏ quy định: “người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở có thẩm quyền quyết định số ngày nghỉ dưỡng”. Tương tự vấn đề này, đại biểu cho rằng, cũng nên áp dụng luôn cho đối với lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản. 

Về BHXH một lần quy định tại Điều 70, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo chọn phương án 2 được quy định trong dự thảo Luật này. Tuy nhiên, sau khi Luật Bảo hiểm và xã hội sửa đổi có hiệu lực, đề nghị Chính phủ cần có các nhóm giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, đồng thời có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện phương án BHXH một lần.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.