Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Phát huy tối đa nguồn lực đất đai

18:01, 03/11/2023

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác. 

Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về quy định chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật có liên quan, các nội dung đang được quy định tại Chương XVI dự thảo Luật do Chính phủ trình đã được rà soát, chỉnh lý; tuy nhiên chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan. Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật. 

Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu đánh giá dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với thực tiễn trên cơ sở rà soát, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia và toàn thể nhân dân. Dự thảo Luật thể hiện rõ hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với một dự án luật quan trọng của đất nước. Đại biểu kỳ vọng, dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay....

Quan tâm tới quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, đại biểu chỉ rõ, hiện nay các quy định này đang bị chia tách bởi hai luật, một nửa quy định tại Chương 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn lại được quy định tại Luật Quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đưa ra ví dụ về quan điểm trên, đại biểu chia sẻ, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất căn cứ vào nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.

Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo Luật thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải sử dụng cùng một lúc là hai luật. Do đó, đại biểu đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của dự thảo Luật. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.

Về bồi thường, tái định cư, thu hồi đất thực hiện dự án, đại biểu cho rằng cần quán triệt nguyên tắc nhất quán bồi thường giá đất, theo đó chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư.

Đại biểu cũng đề nghị xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.

Góp ý về điều kiện về khu tái định cư, đại biểu cho biết dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục.., phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…

Đại biểu cho rằng với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn. Theo đại biểu, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng. 

đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tranh luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tranh luận. Ảnh: quochoi.vn

Tranh luận về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm rõ quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch và không có quốc tịch.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đồng tình với quan điểm cho rằng quy định như dự thảo sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào; đồng thời thu hút kiều bào ủng hộ đầu tư về quê hương, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo luật, đại biểu băn khoăn, bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Quốc tịch, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm: người có quốc tịch Việt Nam và người Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam đang cư trú sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Như vậy, quy định như trên vẫn có hai đối tượng về người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đại biểu cho rằng, nếu quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Phương án 1 tại Điều 44 trong dự thảo luật là chưa thật sự đầy đủ và cũng chưa thật sự tạo sự công bằng. 

Vì vậy, dự thảo luật cần phân định rõ và cần làm rõ quyền của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không còn quốc tịch Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thường không sinh sống, làm việc ở trong nước và có thể dẫn đến  tình trạng trường hợp có tranh chấp về đất đai; việc sử dụng đất không thường xuyên gây lãng phí về nguồn lực. Hơn nữa, trong trường hợp phát sinh tranh chấp về đất đai, việc sử dụng đất không thường xuyên cũng sẽ dẫn đến quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài. Đại biểu đề nghị cơ quan thẩm tra và Chính phủ cần có cái đánh giá tác động đầy đủ, cụ thể về nội dung này.

đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cử tri và nhân dân đang rất mong đợi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật này; đồng thời bày tỏ quan tâm đến chính sách đất đai cho bảo tồn văn hóa các dân tộc…

Đại biểu cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Đại biểu cho rằng, tuy chỉ là bổ sung một từ “tín ngưỡng” thôi nhưng đã phản ánh được đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Đại biểu nhấn mạnh, theo truyền thống đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là đối với người Tây Nguyên, đất đai không đơn thuần là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất mà trên hết nó thể hiện quyền sở hữu tài sản, vị thế xã hội và đặc biệt là mang tính tâm linh. Điều kiện cần và đủ cho mỗi buôn làng. 

Đất đai không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là không gian duy trì các mối quan hệ xã hội, giữa các cộng đồng, giữa cá nhân và cộng đồng. Hơn thế nữa còn điều chỉnh cả mối quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên. Điều này đã góp phần hình thành tri thức ứng xử với tự nhiên một cách cân bằng…

Đại biểu nhấn mạnh, khi chính sách đất đai thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến không gian sinh tồn và truyền thống văn hóa của đồng bào. Do vậy, đại biểu bày tỏ kỳ vọng về những chính sách trong dự án Luật đất đai (sửa đổi) lần này sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề này.

Việc dự thảo luật quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung: thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đảm bảo phù hợp; các vấn đề trong công tác quản lý, sử dụng đất; mở động đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá; tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư; quy định về đất trong khu vực dự trữ khoáng sản…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.