Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội

06:51, 03/11/2023

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, trong phiên làm việc chiều 2/11, sau khi nghe đại diện Chính phủ đọc Tờ trình và Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Luật này.

Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu đánh giá sau hơn 7 năm triển khai, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đi vào cuộc sống, thể hiện tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm, đáp ứng nguyện vọng người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, Luật BHXH được ban hành năm 2014 bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng còn thấp; tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa cao, tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn; một số quy định không phù hợp với thực tiễn.

Do đó, các đại biểu cho rằng cần thiết sửa đổi Luật BHXH để khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng quyền, lợi ích, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, thể hiện tính ưu việt của chế độ Nhà nước ta.

Tham gia ý kiến thảo luận, đa số đại biểu cho rằng, dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; bổ sung, sửa đổi các chế độ BHXH còn bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; tách BHXH đối với khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, đại biểu kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh bao gồm cả phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh vào nội dung quy định tại Điều 3. Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh. Theo quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối với các đối tượng lao động thông thường, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%, tổng là 25%.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39, đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Theo đó, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này vì đối tượng tác động lớn, nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, trong khi, đây hoàn toàn có thể là đối tượng khuyến khích tham gia bảo hiểm tự nguyện, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp.

Đại biểu cũng cho rằng cần rà soát điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột chính sách, bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước; cơ chế quản lý thu chi quỹ bảo hiểm xã hội; quy định rõ hơn đối tượng hưởng lương hưu của nhóm lao động (không chuyên trách ở cấp xã, thôn, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...); việc hưởng bảo hiểm y tế của người đáp ứng điều kiện nhận trợ cấp mà không phải căn cứ yếu tố “tăng trưởng kinh tế”.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: nhandan.vn
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: nhandan.vn

Đối với vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, đại biểu cho rằng, cần xem xét lại quy định BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm chính sách báo hiểm xã hội, theo đại biểu việc khởi kiện cần giao cho cá nhân, tổ chức phù hợp, không chỉ giao cho cơ quan bảo hiểm tránh tình trạng cơ quan bảo hiểm sa đà vào việc đi khởi kiện. Cơ quan BHXH nên là cơ quan thực hiện thẩm quyền mang tính quyền lực Nhà nước khi phát hiện người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH sẽ hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, một số ý kiến đề nghị nên quy định theo hướng cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian từ 6 tháng lên 12 tháng trở lên vì khi ngừng sử dụng hoá đơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của  người lao động.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung bàn về phạm vi điều chỉnh; trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; việc đảm bảo BHXH cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, người mang thai hộ; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; rút bảo hiểm xã hội một lần; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; điều chỉnh giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội với trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 20 năm xuống 15 năm…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc