Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa, tiền tệ
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 1/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 và dự kiến phát triển KT-XH năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù. Hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phục hồi của nền kinh tế.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, đại biểu cho rằng, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Do vậy, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn, cũng như dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Một số đại biểu phản ánh, đầu tư cho nông nghiệp hiện nay còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ lưỡng nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấm dứt điệp khúc “được mùa – mất giá” và nhiều đợt “giải cứu nông sản” như thời gian qua.
Các bộ, ngành nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân. Ngân hàng Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, để hóa giải những thách thức gặp phải, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nêu công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng không phải là vấn đề mới, tuy nhiên những bất cập từ các chính sách, thực tiễn ở địa phương đặt ra cần Chính phủ lắng nghe, quan tâm và giải quyết kịp thời.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Về chính sách nhà nước đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặt hàng, chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuê rừng đối với các công ty lâm nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý bảo vệ rừng tự nhiên.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đại biểu đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ dưới 50 ha, đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha với các dự án, công trình phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã đề cập đến các vấn đề về việc đánh giá đầy đủ những bất cập hệ thống cao tốc đường bộ; đẩy mạnh thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia; rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên; đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân; đảm bảo chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay; đề nghị quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc