Multimedia Đọc Báo in

Tài trí của Đại tướng Đoàn Khuê trên chiến trường Tây Nguyên

15:51, 27/11/2023

Đại tướng Đoàn Khuê (1923 - 1999) quê thôn Gia Dẳng, xã Triệu Tân, nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong 60 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Đoàn Khuê, có đến nửa thời gian gắn bó với Liên khu 5 (Nam Trung bộ và Tây Nguyên).

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí Đoàn Khuê hoạt động cách mạng ở quê nhà bị Pháp truy lùng bắt, kết án rồi đưa vào nhà đày Buôn Ma Thuột gần 5 năm, đến năm 1945 mới thoát khỏi lao tù. Dù trong cảnh giam cầm, đày ải nhưng đồng chí vẫn vững vàng, bảo toàn khí tiết. Không những thế, đồng chí còn biến ngục thất thành trường học cách mạng; tìm cách học tập lý luận, tìm hiểu kiến thức quân sự, học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tham gia Ủy ban vận động cách mạng trong nhà tù.

Năm 1946, khi giặc Pháp mở rộng đánh chiếm Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cấp trên cử đồng chí Đoàn Khuê vào mặt trận này. Từ tháng 4/1947 đến đầu năm 1953, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên, Chính ủy các Trung đoàn 69, 73, 78, 126 và 84 thuộc Liên khu 5, Ủy viên Thường vụ Ban cán sự đảng tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Đoàn Khuê (giữa), Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 5 làm việc với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 2 Gia Lai - Kon Tum ở Đồn 21 dịp Tết Mậu Ngọ 1978. Ảnh tư liệu

Từ tháng 7 đến tháng 9/1950, ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ (chiến dịch Đắk Lắk) để phối hợp nhịp nhàng với chiến trường Bắc bộ, nhằm củng cố lực lượng, xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu, chờ đợi thời cơ tổng phản công. Chiến dịch thành công, tạo được vùng căn cứ địa tam giác Cheo Reo, hồ M’Drắk, trong đó có vai trò quan trọng của Trung đoàn 84 do đồng chí Đoàn Khuê làm Chính ủy.

Năm 1953 đồng chí được phân công làm Chính ủy Trung đoàn 108. Cuối năm 1953, lãnh đạo Đảng và quân đội thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Cấp trên chỉ đạo Liên khu 5 mở chiến dịch bắc Tây Nguyên và huy động lực lượng vũ trang đánh địch, bảo vệ vùng tự do. Trung đoàn 108 được giao nhiệm vụ cùng Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 30, liên đội đặc công và lực lượng tại chỗ tấn công địch ở bắc Kon Tum.

Với quyết tâm cao và kế hoạch sáng tạo, chiến dịch này đã xóa sổ ba cứ điểm Măng Đen, Măng Bút và Kon Rẫy trong một đêm. Trong đó, Trung đoàn 108 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Măng Đen. Hướng tấn công chính, vào đêm 27/1/1954 Tiểu đoàn 19 gặp khó khăn hướng cửa mở khu A, tình hình càng trở nên bất lợi khi trời gần sáng; trái lại hướng phụ thì Tiểu đoàn 79 thuận lợi hơn nhiều. Chính ủy  Đoàn Khuê trực tiếp ra trận địa, sau khi xem xét đã quyết định biến hướng thứ yếu thành chủ yếu.

Với sự quyết đoán, táo bạo, bất ngờ, đến sáng 28/1/1954, Trung đoàn đã chiếm lĩnh hoàn toàn căn cứ Măng Đen. Sau ngày 7/5/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Binh đoàn cơ động 42 của địch tháo chạy từ Pleiku về Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 108 (thiếu) và một tiểu đoàn của Trung đoàn 803 đã tổ chức trận địa phục kích tại đèo Chư Đrếch. Địch trong 3 ngày vẫn án binh bất động, bên ta lương thực cạn dần, có ý kiến nên thay đổi cách đánh từ phục kích sang tập kích.

Chính ủy Đoàn Khuê không đồng ý, động viên mọi người cần chờ đợi thêm, giữ bí mật để chắc thắng, nhất định địch sẽ qua đèo. Quả đúng như vậy, trưa 17/7/1954, Binh đoàn 42 của địch vượt đèo và sa vào ổ phục kích của quân ta và bị tiêu diệt hoàn toàn. Lần nữa tài năng quân sự của đồng chí Đoàn Khuê lại được khẳng định.

Phạm Xuân Dũng

 


Ý kiến bạn đọc