Multimedia Đọc Báo in

Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát

15:04, 17/11/2023

Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lê Thị Thanh Xuân; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem xét, đánh giá khái quát kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023 và tập trung thảo luận, triển khai các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, các hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới. Năm 2023, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật; tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV, khóa XV thực chất, hiệu quả. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên…

Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế trong công tác giám sát như: xác định trách nhiệm trong giám sát, còn tình trạng nể nang, né tránh; hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chưa có nhiều đổi mới và chưa có những kết quả nổi bật; công tác phối hợp cơ bản tốt nhưng vẫn còn những lúc vướng mắc khó khăn; giám sát của Đoàn ĐBQH và nhất là của ĐBQH chưa có nhiều…

Để triển khai có hiệu quả giám sát các chuyên đề năm 2024, các đại biểu cho rằng, các Đoàn giám sát cần tận dụng tối đa các tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát; tập trung vào giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, khâu tổ chức thực thi để luật sớm đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm minh; đồng thời, các kiến nghị giám sát cần được nghiên cứu, chắt lọc sâu sắc, sát với tình hình thực tiễn, bảo đảm khả thi; tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai các hoạt động của các Đoàn giám sát…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024: Tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; ban hành nghị quyết UBTVQH hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND.

Về thẩm tra các báo cáo phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở sử dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH, các nguồn thông tin, tài liệu khác. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.