Multimedia Đọc Báo in

Thanh tra Đắk Lắk: Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

08:26, 22/11/2023

Cách đây 78 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ là giám sát tất cả công việc và nhân viên của các ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Đây chính là tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ sau này và ngày 23/11 trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Xuyên suốt chặng đường lịch sử của đất nước, ngành Thanh tra Việt Nam với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt, Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, Ủy ban Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Nhà nước, nay là Thanh tra Chính phủ. Dù với tên gọi nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị; thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm; đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngành Thanh tra Đắk Lắk vinh dự được Thanh tra Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022. Ảnh: Văn Trường

Kế thừa và phát huy truyền thống ngành, Thanh tra Đắk Lắk nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực; giữ vững kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, ngành Thanh tra Đắk Lắk đã góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội cũng như đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm các cấp, các ngành được nâng lên.

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thanh tra các cấp, các ngành trong tỉnh thường xuyên rà soát trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Thanh tra Đắk Lắk đã căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn đối với từng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng ngạch, từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng công chức và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, các đơn vị còn tạo điều kiện, cử nhiều lượt cán bộ, công chức theo học các lớp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân… Nhiều giải pháp đồng bộ cũng đã được triển khai để phát huy tiện ích của công nghệ số vào công tác chuyên môn. Tiêu biểu như việc thiết kế xây dựng phần mềm "Quản lý công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk"; quản lý và vận hành trang thông tin điện tử thanhtra.daklak.gov.vn…

Tập thể cán bộ, công chức Thanh tra tỉnh đoàn kết, quyết tâm hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ được giao. Ảnh: Văn Trường

Ghi nhận thành tích và những đóng góp quan trọng của ngành, trong thời gian qua, nhiều tập thể và cá nhân cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra và Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý.

Ngành Thanh tra tỉnh đã ba lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (1999, 2004, 2022), Thanh tra Chính phủ tặng 12 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng 5 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân xuất sắc.

Đặc biệt trong năm 2005, ngành vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2007, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Phần thưởng đặc biệt ý nghĩa mà ngành Thanh tra Đắk Lắk có được đó là sự tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh dành cho cán bộ, công chức của ngành trong suốt những năm qua.

Phạm Văn Sáu

 Phó Chánh Thanh tra tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.