Multimedia Đọc Báo in

Tình lính Trường Sa

14:42, 27/11/2023

Tháng 6/2022, đoàn công tác số 10 gồm hơn 220 người chúng tôi đến thăm quần đảo Trường Sa trên con tàu Trường Sa 571.

Đoàn công tác ra Trường Sa lần này có hai thành phần đặc biệt, đó là 39 vị cao tăng gồm lãnh đạo Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành; và một đoàn 10 người là “cựu chiến binh – đoàn Cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh” do Giám đốc cựu binh Trần Văn Xuất dẫn đầu.

Đi tìm đồng đội

Chiếu trà sớm trên boong tàu, tôi ngồi với các cựu binh Trường Sa trong đoàn Xuất Ánh, mải mê bao chuyện cũ chuyện mới. Đọc được trong ánh mắt của ai cũng long lanh niềm xúc động lạ lùng. Các ông Nguyễn Văn Tho, Nguyễn Như Hải (Bình Định), Nguyễn Đắc Hiếu (Đắk Lắk), Trần Doãn (Bình Phước), Hồ Văn Cường, Đàng Văn Thảo, Phạm Nhất Thành, Lê Văn Phương (Phú Yên)... 40 năm trước là những người lính trẻ từng sát cánh bên nhau ôm súng canh giữ đảo nhỏ Trường Sa Đông, nay ở tuổi xế chiều, nỗi đau đáu của họ là được một lần quay lại “chiến trường xưa”. Thấu hiểu nỗi niềm ấy, ông Trần Văn Xuất đã viết tâm thư gửi đến Quân chủng Hải quân, và đã thỏa duyên khi được cư sĩ Phật giáo Nguyễn Văn Trường, chủ doanh nghiệp Xuân Trường, đơn vị phối hợp tổ chức chuyến đi đồng ý cho nhập đoàn công tác đặc biệt này.

Có một câu chuyện rất ấn tượng là việc ông Trần Văn Xuất sau khi xuất ngũ, bắt đầu ăn nên làm ra với cơ sở đá mỹ nghệ ở dưới chân núi Non Nước (TP. Đà Nẵng) liền bắt đầu công cuộc tìm kiếm đồng đội Trường Sa Đông một thời đang sống rải rác khắp nơi. Cuộc tìm kiếm đầy cảm động với những chi tiết ly kỳ kéo dài tới cả mấy chục năm trời…

Cựu binh Nguyễn Đắc Hiếu (bên phải) tại cột mốc Trường Sa Đông. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong đó, chuyện ông Xuất tìm lại được đồng đội Nguyễn Khắc Hiếu ở Đắk Lắk thật đặc biệt. Ông Xuất kể: “Anh em sống với nhau trên đảo Trường Sa Đông hơn hai năm (1984 - 1986). Biết bao nhiêu kỷ niệm thương yêu. Khi ra quân vì hoàn cảnh đói nghèo nên mỗi người tản mác mưu sinh một nơi. Tìm được anh Hiếu là gian truân lắm…”. Trong trí nhớ của ông Xuất, thì quê ông Hiếu ở Thừa Thiên - Huế nhưng không biết chính xác địa điểm nào. Chỉ nhớ hồi ấy ông Hiếu kể từ nhà mình đạp xe lên thành phố Huế mất gần một buổi. Ông Xuất ra Huế tìm cách khoanh vùng địa điểm, rồi liên hệ với các địa phương tìm những người có tên Nguyễn Đắc Hiếu ở tầm tuổi ngoài 40. Tại xã Phú Xuân (huyện Phú Vang), Công an xã xác nhận có người tên Hiếu từng đóng quân ở Trường Sa, nhưng đã đi kinh tế mới ở Đắk Lắk từ lâu lắm rồi, không có thông tin gì! Ông Xuất lúc này đã tìm lại được hầu hết đồng đội cũ, còn mấy người trong đó có ông Hiếu là vẫn bặt tăm tích, khiến lòng ông không yên.

Thế rồi năm 2008, tại mặt tiền ngôi nhà mình trên đường Trường Sa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), ông Xuất kỳ công xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông cao 6 m đúng theo nguyên gốc, với hy vọng đồng đội cũ có dịp đi qua nơi này nhìn thấy sẽ dừng lại...

Ấm áp nghĩa tình

Một hôm, có người trên đường công tác đã dừng xe ghé thăm cột mốc. Đó là ông Nguyễn Văn Đẹp, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng là cựu binh Trường Sa.

Đồng đội gặp nhau tay bắt mặt mừng, trong câu chuyện ông Đẹp nhắc tới một người lính từng đóng ở Trường Sa Đông là Nguyễn Như Hải hiện đang sống ở địa phương mình. Ông Xuất giật mình vui sướng, bèn bắt xe ngay vào Bình Định. Niềm vui nhân đôi, khi ông Hải cho biết địa chỉ của ông Nguyễn Đắc Hiếu ở Đắk Lắk. Thế rồi một ngày đẹp trời của năm 2010, ông Xuất dẫn đầu một đoàn cựu lính đảo Trường Sa Đông bất ngờ “ập” vào nhà ông Hiếu ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk). Đến bây giờ sau mười mấy năm, giọng của ông Hiếu vẫn còn chưa hết xúc động khi kể lại cuộc gặp gỡ quá đặc biệt ngày ấy: “Thật quá lạ lùng và cảm động. Không ngờ ở tuốt nơi xa xôi hẻo lánh này mà đồng đội vẫn biết để tìm đến…”.

Ông Nguyễn Đắc Hiếu tặng quà cho trẻ em trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Đắc Hiếu quê ở Phú Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Đầu năm 1983 ông lên đường nhập ngũ vào quân chủng Hải quân, sau đó được phân về Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân ra làm nhiệm vụ giữ chủ quyền đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Sau khi ông Hiếu ra quân, ở nhà mẹ đã mất, cha một mình nuôi các con, ông lao vào giúp cha gánh vác chuyện nhà, rồi lập gia đình. Đến năm 1989, hoàn cảnh kinh tế quá túng bấn, cơ cực, ông vào xã Ea Kly, huyện Krông Pắc lập nghiệp… Đến nay, cả ba người con của vợ chồng ông Hiếu đều đã ăn học nên người, có nghề nghiệp ổn định. Năm 2016, vợ chồng ông lên ở cùng con cái tại TP. Buôn Ma Thuột; và từ 6 năm nay ông được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh buôn H’Drat, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Hỏi ông Hiếu về kỷ niệm nào sâu sắc nhất trong những tháng năm gian khó và kiên cường giữa sóng gió Trường Sa Đông, ông bảo nhiều lắm khó thể kể hết. Và rồi ông kể một chuyện về tình đồng đội. Ngày ấy, đảo đón các chiến sĩ mới, toàn là các em rất trẻ người Phú Yên (tỉnh Phú Khánh cũ). Sau hải trình giữa mùa biển động, cánh lính trẻ say sóng nằm hết không ăn uống được gì. Ông Hiếu khi ấy là Tổ trưởng kiểm tra hậu cần của đảo đã xin ứng khẩu phần đậu xanh của mình rồi lụi cụi nấu cháo cho anh em ăn giải say sóng. Ông bảo rằng cũng đã quên mất chuyện ấy, cho đến khi sau này gặp lại nhau, cánh lính trẻ ngày ấy nhắc lại, mới nhớ…

Cái tình của lính Trường Sa luôn vậy, dù ở biển hay trên núi. Vì thế mới có chuyện chủ một doanh nghiệp như cựu binh Trần Văn Xuất vẫn bỏ ra bao nhiêu tháng năm, công sức để tìm lại đồng đội cũ, để chia sẻ gánh vác cho nhau những khó khăn, những vui buồn trong cuộc sống. Và để có được cuộc hội ngộ cùng nhau giữa trời biển Trường Sa, thỏa niềm khát khao mà tưởng chừng không bao giờ có được…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.