Multimedia Đọc Báo in

Viết tiếp truyền thống hào hùng

08:26, 23/11/2023

Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, bước đầu đặt được dấu ấn cai trị trên đất nước ta, thực dân Pháp đã thiết lập nên mạng lưới nhà tù, nhà đày dày đặc với chế độ giam cầm hà khắc, bạo tàn. Nhà đày Buôn Ma Thuột ra đời trong guồng máy cai trị đó.

Tuy nhiên, trái với ý muốn của thực dân Pháp, chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không lung lạc nổi ý chí sắt đá của những người cộng sản, mà ngược lại, chính nhà tù thực dân lại trở thành trường học cách mạng. Với sự đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi của các chiến sĩ cộng sản, cuối năm 1940, một số tù nhân trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đứng ra lập tổ chức bí mật gọi là Lực lượng trung kiên, thành lập các tổ chức như Cách mạng chiến sĩ đoàn, Ủy ban vận động cách mạng... Mặc dù không gọi là chi bộ nhưng tổ chức này có tính chất và vai trò như một chi bộ cộng sản. Tù nhân tham gia đều hoàn toàn tự nguyện, có đủ tiêu chuẩn nhất định và trước hết là phải thực hiện đúng Điều lệ Đảng Cộng sản, tự nguyện hy sinh suốt đời cho chủ nghĩa cộng sản.

Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột ra đời cuối năm 1940 là mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu phong trào cách mạng của tỉnh chuyển kịp theo trào lưu cách mạng chung của cả nước; đánh dấu thời kỳ nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk có một tổ chức đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, có đường lối cách mạng tiên tiến, đúng đắn, có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng nhân dân đấu tranh giải phóng quê hương, đưa phong trào cách mạng của tỉnh sánh bước cùng phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Cùng với hoạt động của tổ chức Việt Minh và các tổ chức yêu nước khác, đã tạo nên không khí cách mạng sôi nổi ở Đắk Lắk, hướng quần chúng, đồng bào các dân tộc trong tỉnh theo con đường đấu tranh giành độc lập, tự do.

Du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hữu Hùng

Tháng 4/1945, đồng chí Phan Kiệm và Nguyễn Trọng Ba sau khi được thả từ Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đến Nha Trang bàn bạc thống nhất với một số đồng chí khác quay trở lại Buôn Ma Thuột nhận trách nhiệm thành lập Ban Lãnh đạo chung để chỉ đạo phong trào Việt Minh ở Đắk Lắk.

Tháng 5/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh được thành lập. Từ hai đảng viên nòng cốt, đến tháng 7/1945, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 3 chi bộ ở đồn điền CADA, xã Lạc Sa và trong công chức thị xã. Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ra đời đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thành công ngày 24/8/1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy lâm thời Đắk Lắk, Ban cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức đảng chiến khu 6, Liên khu ủy 5, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Nam Trung Bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhất tề đứng dậy, đoàn kết chiến đấu bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng đời sống mới và đóng góp to lớn cho cách mạng.

21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều gian khổ ác liệt, thực hiện nhiệm vụ chống càn quét, lấn chiếm, xây dựng, bảo vệ căn cứ và vùng giải phóng, đẩy mạnh công tác vùng địch và các hoạt động vũ trang, giữ vững thế chủ động tấn công địch đồng thời duy trì phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, mở màn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cơ sở kết quả Hội thảo “Xác định ngày, tháng kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk”, sự thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, tháng 5/2019, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1502/QĐ-TU về việc lấy ngày 23/11/1940 làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.

Sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo đà cho các bước phát triển và hội nhập, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của vùng Tây Nguyên và phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ những hạt nhân đầu tiên trong những ngày đầu thành lập Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột, trải qua 83 năm xây dựng và phát triển, đến tháng 9/2023, Đảng bộ tỉnh hiện có 20 đảng bộ trực thuộc với 705 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 418 đảng bộ cơ sở và 287 chi bộ cơ sở; 13 đảng bộ bộ phận và 5.118 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số hơn 85.867 đảng viên, trong đó có 15.835 đảng viên người dân tộc thiểu số. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, bản lĩnh, trí tuệ, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nhận thức và hành động, phương thức lãnh đạo để khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực, tăng cường liên kết, hợp tác, quyết tâm xây dựng Đảng bộ tỉnh đoàn kết và vững mạnh về mọi mặt, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.