Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: “Cầu nối” Quốc hội với cử tri
Với vai trò là “cầu nối”, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk đã chủ động nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến trong các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Các ĐBQH luôn nêu cao vai trò, chủ động, tích cực thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu dân cử, xứng đáng với niềm tin của nhân dân trong tỉnh…
Sôi nổi trên nghị trường
Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham dự Kỳ họp thứ năm, Kỳ họp thứ sáu - Quốc hội khóa XV và ba kỳ họp bất thường; đồng thời tham dự phiên chất vấn trực tuyến tại Phiên họp thứ 21 và Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Tại các kỳ họp, ĐBQH trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý có chất lượng đối với các vấn đề về kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước; các dự án luật và quyết định những vấn đề quan trọng khác. Tại các phiên thảo luận ở hội trường, ĐBQH trong Đoàn đã có 11 lượt phát biểu; tại các phiên thảo luận ở tổ có 35 lượt phát biểu. Ngoài ra đã nêu nhiều câu hỏi chất vấn, phát biểu tranh luận về những vấn đề cử tri quan tâm, được các bộ trưởng trả lời đầy đủ, được đại biểu đồng tình.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng trong công tác lập pháp và các vấn đề quan trọng. (Ảnh do Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp) |
Bên cạnh đó, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đại diện lãnh đạo tỉnh phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do UBTVQH tổ chức. Ngoài phiên họp chính thức, các ĐBQH còn tham gia các phiên họp do UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; dự các buổi họp mặt các ĐBQH chuyên trách, họp mặt ĐBQH là người dân tộc thiểu số (DTTS), các nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhóm nghị sĩ trẻ, nhóm nghị sĩ là nhà khoa học.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân cho biết: Để chuẩn bị tốt nội dung thảo luận, tham gia ý kiến tại các kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành báo cáo về tình hình KT-XH của tỉnh và các nội dung khác liên quan; lấy ý kiến đối với các dự án luật, nghị quyết trình tại kỳ họp…
Trong các kỳ họp, phiên họp, ĐBQH trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, xem xét các báo cáo, tham gia ý kiến tại các buổi thảo luận, chất vấn và tranh luận. Bên lề kỳ họp, một số đại biểu trên cương vị công tác của mình đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành về những vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm, đề xuất tháo gỡ các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương…
Cùng với đó, các chương trình giám sát đã được Đoàn ĐBQH tỉnh triển khai, thực hiện hiệu quả, đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề; tham gia đầy đủ các đoàn giám sát, khảo sát của UBTVQH giám sát, khảo sát tại địa phương; xây dựng kế hoạch 4 cuộc giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2024. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề xuất, kiến nghị khắc phục những khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh về pháp luật, cơ chế, chính sách và chỉ đạo điều hành công việc của địa phương, của các bộ, ngành…
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn. (Ảnh do Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp) |
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng hành với cử tri
Để kịp thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tăng cường tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau mỗi kỳ họp, kết hợp hình thức tiếp xúc trực tiếp với trực tuyến. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn chủ trì tổ chức hội nghị TXCT chuyên đề lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức TXCT với công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú. Các hội nghị TXCT đều có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố nơi tổ chức tiếp xúc.
Tham dự buổi TXCT sau Kỳ họp thứ sáu - Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Sở, cử tri ở tổ dân phố 6 (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Hoạt động TXCT đã được đổi mới hơn. Các ý kiến, kiến nghị cử tri nêu đều được các vị đại biểu, đại diện lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành tiếp thu, trả lời thẳng thắn, rõ ràng…”.
Kết thúc mỗi đợt tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp, phân loại và kịp thời chuyển báo cáo đến các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Qua đó, Đoàn đã tiếp nhận được 59 văn bản Trung ương trả lời 79 nội dung kiến nghị của cử tri. Các văn bản trả lời đều được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo dõi, trả lời cho cử tri biết, phối hợp theo dõi, giám sát theo quy định.
Đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh do Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp) |
Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và theo dõi việc giải quyết đơn của công dân được thực hiện thường xuyên theo quy định. Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp tổ chức 6 đợt tiếp công dân định kỳ, tiếp 11 lượt công dân đến phản ánh về 11 vụ việc; nhận 28 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền (chiếm 71,8% số đơn, thư do Đoàn chuyển đi).
Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thăm hỏi, hỗ trợ, động viên một số hộ dân bị thiệt hại của vụ cháy tại chợ trung tâm huyện Ea Súp; vận động, triển khai xây dựng 8 căn nhà Tình nghĩa (tổng trị giá 630 triệu đồng) tặng đồng bào DTTS, đối tượng người có công đang khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc