Multimedia Đọc Báo in

Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Nhân nguồn sức mạnh trong thời đại mới

08:21, 11/12/2023

Nhằm tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW. Đây là cơ sở  chính trị - pháp lý quan trọng phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới.

Sự đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhấn mạnh, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 12 nghị quyết, 24 kết luận, 16 chỉ thị, 13 quyết định, 4 hướng dẫn và nhiều quy định, quy chế nhằm tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp chủ yếu mà nghị quyết đề ra.

Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được phát huy, mở rộng dân chủ trực tiếp, nâng cao dân chủ đại diện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung dự Ngày hội Đại đoàn kết với bà con buôn Kri, xã Ea Sol (huyện Ea H'leo). Ảnh: Lê Thành
 

Nghị quyết đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi.

Hơn nữa, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Do đó, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Xuyên suốt quan điểm đại đoàn kết là sức mạnh

Từ Nghị quyết số 23 đến Nghị quyết số 43, Ban Chấp hành Trung ương đều thống nhất và khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đây là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng, nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu chung của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr tặng quà cho người có uy tín huyện Ea Kar nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Ảnh: N. Xuân

Nghị quyết cũng xác định phương thức quan trọng để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao cuộc sống của nhân dân. Trách nhiệm xây dựng, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc là của Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.