Sớm bắt tay thực hiện để phát huy giá trị của Quy hoạch
Hôm nay (17/1), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là một trong những cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển của tỉnh.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM NGỌC NGHỊ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chung quanh nội dung này.
♦ Thưa ông, ngày 30/12/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông, quyết định trên có ý nghĩa thế nào đối với tỉnh ta?
Trước hết phải khẳng định, đây là một thông tin rất vui đối với tỉnh Đắk Lắk, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh ta. Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt là khung pháp lý cao nhất, là “kim chỉ nam” để các cấp, các ngành, các lĩnh vực của tỉnh triển khai thực hiện, tạo động lực phát triển.
Một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thể hiện được khát vọng vươn lên của địa phương, qua đó sẽ giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra. Các quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh đã thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đồng thời, đã kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển của Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.
Chính vì vậy, quy hoạch này không chỉ có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển của Đắk Lắk mà còn có ý nghĩa với khu vực và cả nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Quy hoạch cũng thể hiện sự chủ động, khát vọng vươn lên của Đắk Lắk khi khai thác các lợi thế theo hướng tích cực, đặt mục tiêu cao.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (thứ ba từ trái sang) kiểm tra tiến độ triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (đoạn qua xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc). Ảnh: Hoàng Tuyết |
♦ Một trong những nội dung rất đáng chú ý theo quy hoạch được phê duyệt, đó là đến năm 2050, Đắk Lắk có quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. Để đạt được mục tiêu này, theo ông, thời gian tới Đắk Lắk cần có những giải pháp đột phá gì?
Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ tiếp tục khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng hiện có. Đặc biệt dựa trên bốn trụ cột đó là: Phát triển các sản phẩm nông lâm sản lợi thế quy mô lớn; Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy sản và năng lượng tái tạo quy mô lớn; Phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng thủy lợi; Phát triển dịch vụ logistic dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh cũng xác định 5 bước đột phá lớn, đó là: Đột phá về chính sách; Đột phá về liên kết phát triển; Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; Tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo và y tế; Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Để thực hiện Quy hoạch và đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, tỉnh sẽ sớm ban hành kế hoạch thực hiện để bảo đảm sự triển khai đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành. Bám sát định hướng phát triển của quốc gia và định hướng phát triển vùng Tây Nguyên, trên cơ sở các nền tảng đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk, kế hoạch phải xác định rõ nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể gắn với từng sản phẩm cụ thể, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Cùng với đó, để Quy hoạch tỉnh thực sự trở thành một động lực phát triển, tỉnh sẽ sớm cụ thể hóa các quy hoạch có tính chất chuyên ngành, tập trung đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, ưu tiên các nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển để huy động hiệu quả các nguồn lực.
Đồng thời, quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách trong việc tạo không gian phát triển thống nhất, thông thoáng, có chiến lược lâu dài để khắc phục những điểm nghẽn, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội chăm lo đời sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
♦ Có thể thấy, những giải pháp trên đã thể hiện rõ chiến lược, quyết tâm của tỉnh. Vậy theo ông, Đắk Lắk cần có sự hỗ trợ như thế nào từ phía Trung ương để quy hoạch này được triển khai bài bản và sớm phát huy hiệu quả?
Bước vào thực hiện Quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xác định một số khó khăn trong quá trình thực hiện, đó là: áp lực cạnh tranh lớn từ quá trình hội nhập kinh tế trên thị trường hàng hóa nông sản; lực lượng lao động tuy đông nhưng số lao động chất lượng cao chưa nhiều. Quan trọng nữa, Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo chưa có khả năng tự cân đối ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn còn cao làm gia tăng các bất ổn trong đời sống xã hội… Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và những vấn đề cần giải quyết, khi xây dựng Quy hoạch, Đắk Lắk đã đề ra phương châm phát triển dựa trên nền tảng môi trường - xã hội - kinh tế. Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Do đó, để thực hiện tốt Quy hoạch, bên cạnh nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Đắk Lắk rất cần sự hỗ trợ nhiều mặt từ phía Trung ương, nhất là những hỗ trợ về chính sách và nguồn lực.
♦ Xin cảm ơn ông!
Giang Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc