Multimedia Đọc Báo in

Nhớ Tết chiến khu

09:31, 13/02/2024

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong ký ức của những người đã trải qua một thời đạn lửa vẫn man mác nhớ về những cái Tết ở chiến khu, có những cái Tết đón giao thừa dưới hầm hào công sự mà vẫn “lòng phơi phới dậy tương lai…”.

Ông Ama H Loan (dân tộc Êđê), nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Krông Bông nay đã 83 tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng. Ông có đến 17 năm đón Tết trong chiến khu, mỗi cái Tết đều ăm ắp kỷ niệm…

Ngày 12/1/1958, khi chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, Ama H Loan thoát ly tham gia cách mạng. Tết Mậu Tuất năm ấy cũng là cái Tết đầu tiên của ông ở trong rừng, tuy thiếu thốn vật chất nhưng thật ấm tình đồng đội.

Ông Ama H Loan, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Krông Bông kể lại trận mai phục địch Tết 1970 ở suối Ea Tih.

Có một kỷ niệm dịp Tết Canh Tuất năm 1970 khiến Ama H Loan nhớ mãi. Gần Tết năm ấy, Ama H Loan là Bí thư Huyện Đoàn H9, được phân công về các buôn thuộc xã Yang Mao bây giờ để vận động bà con hỗ trợ lương thực cho bộ đội ăn Tết. Cũng thời gian này, địch thường xuyên rải thám báo luồn sâu vào hoạt động đánh phá vùng căn cứ của ta. Vì thế, khi Ama H Loan đến nhà Trưởng buôn Tar Ama Cho trao đổi công việc, người dân nghi ngờ ông là thám báo của địch, trưởng buôn bèn âm thầm báo du kích vây bắt… Chờ mãi không thấy buôn trưởng, linh tính mách bảo chuyện không lành, ông rời khỏi nhà buôn trưởng ra bến nước gần đó, nhờ người chỉ đường về buôn Ea Chố, nơi ở của đồng chí Ama Heo, Huyện ủy viên H9. Sau khi ông báo cáo tình hình xong thì lực lượng du kích cũng vừa ập đến. Lúc này, đồng chí Ama Heo đưa ông tránh mặt vào bên trong, giải thích cho lực lượng du kích địa phương hiểu. Nhờ vậy mà Ama H Loan hoàn thành nhiệm vụ, mang được gạo nếp về để cơ quan gói bánh ăn Tết…

Cũng năm 1970 là Tết đầu tiên không còn được nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết. Sáng mồng Một, đồng chí Bùi Văn Thuộc, Phó Bí thư Huyện ủy đến tặng quà và chúc Tết đã đọc lại bài thơ chúc Tết năm 1969 của Bác: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Bài thơ như một lời động viên, thôi thúc anh em trong cơ quan phải chiến đấu lập công dâng lên Bác. Vì thế, mặc dù đang trong thời gian Tết nhưng đội công tác của Ama H Loan gồm 6 người vẫn băng rừng đến gần núi Cư Seh, đường 21 thuộc địa phận Khánh Dương mai phục địch bên kia suối Ea Tih. Khi phát hiện chiếc xe Jeep chở chỉ huy của địch đi qua, đội công tác nổ súng bắn thủng lốp xe. Bị tấn công bất ngờ, địch xuống xe tháo chạy liền bị đội công tác tiêu diệt tại chỗ 3 tên. Với chiến công này, ông và toàn đội công tác được khen thưởng đột xuất…

Ông Y Dhăk Niê (tên thường gọi Ama Brai, ở buôn Tul, xã Yang Mao, huyện Krông Bông), nguyên là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in những cái Tết trong rừng.

Ama Brai tham gia du kích xã từ năm 1971 và được điều động tăng cường về Huyện Đội H9. Từ đó cho đến ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, ông đã cùng đồng đội đón 4 cái Tết nơi chiến khu, nhưng Tết Quý Sửu năm 1973 là để lại ấn tượng khó quên nhất.

Ông Ama Brai (bên trái), nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao kể lại kỷ niệm Tết năm 1973.

Năm ấy, để chuẩn bị đón Tết, Ama Brai cùng ông Y Srê Niê (sau này là Chủ tịch UBND xã Cư Pui), Y Nuôl Niê và 10 người khác được phân công đến Ban Kinh tài H6 nhận nhu yếu phẩm cho đơn vị. Chặng đường từ Ea Rớt đến địa điểm nhận hàng phải đi đường rừng mất 7 ngày, nhận hàng xong khi trở về anh em phải đi đường khác nhằm tránh địch phát hiện. Khi qua sông, do không có thuyền nên anh em chặt tre, nứa làm bè, đến giữa dòng gặp nước chảy xiết, bè bị chao đảo khiến hai người rơi xuống sông, mọi người đã kịp thời cứu vớt không xảy ra thương vong, đồng thời bảo đảm an toàn số hàng Tết gồm 40 hộp sữa, 40 kg đường, 10 cây thuốc lá Điện Biên và một số bánh kẹo.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngày mồng Một Tết Quý Sửu cũng đúng vào ngày kỷ niệm 43 năm thành lập Đảng ta (3/2/1930 - 3/2/1973). Đêm giao thừa năm ấy, toàn đơn vị quây quần bên chiếc đài bán dẫn vừa ăn bánh kẹo vừa nghe Bác Tôn chúc Tết: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước/ Đoàn kết một lòng/ Kiên trì và đẩy mạnh chiến đấu/ Nỗ lực sản xuất, công tác và học tập/ Xuân mới, thắng lợi mới!”. Ông Ama Brai xúc động nhớ lại: “Vừa nghe chúc Tết xong, trên trời máy bay địch thả bom, anh em vội ôm theo chiếc đài bán dẫn xuống hầm trú ẩn… Năm ấy, tuy không có bánh chưng, bánh tét nhưng vẫn là một cái Tết đầm ấm bên đồng đội. Tết năm ấy còn đặc biệt ý nghĩa bởi vào ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết”...

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc