Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Gắn trách nhiệm của các địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án

15:36, 25/05/2024

Sáng 25/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH (Nghị quyết số 43) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch, Đề cương giám sát gửi đến các đối tượng chịu sự giám sát; giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố giám sát; tổ chức giám sát trực tiếp tại 10 địa phương, làm việc với Chính phủ và 12 Bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, Đoàn giám sát đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ và đạt các mục tiêu đặt ra.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: quochoi.vn
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; việc huy động, phân bổ và điều hòa sử dụng vốn đầu tư công giúp đưa nguồn lực vào nền kinh tế hợp lý; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép và thấp hơn so với mức dự kiến. 

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư. 

Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 43. Trong đó, bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận, cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.  

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.

Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn. 

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được sau tác động của dịch COVID-19.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao ngay trong quá trình triển khai Nghị quyết số 43 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội tăng cường trách nhiệm giám sát các Nghị quyết đã ban hành và cùng đồng hành với Chính phủ đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Cơ bản thống nhất và đồng tình với các đánh giá nêu trong Báo cáo, đại biểu cho rằng, Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề đã đánh giá khách quan các kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Đến thời điểm hiện nay, một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách cũng còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt là công tác xây dựng, đề xuất danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn chương trình của một số Bộ, ngành, địa phương...

Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp; xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.

Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng đến năm 2025 hoàn thành.

Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội do những hiệu quả mà chính sách mang lại thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội và có các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế…

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Một số đại biểu đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 43 như: Trong quá trình đề xuất chính sách cần phải có thời gian khảo sát, đánh giá sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của chính sách. Khi thực hiện nếu có vướng mắc phải kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh cho phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực. Tiếp tục phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực gắn với trách nhiệm cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, khắc phục sự rườm rà về thủ tục hành chính, tăng hiệu quả chất lượng công việc.

Đại biểu cũng cho biết, Báo cáo nêu ra 5 nhóm tồn tại, hạn chế; 3 nhóm nguyên nhân khách quan; 4 nhóm nguyên nhân chủ quan rất xác đáng. Trong số đó, có một nhóm nguyên nhân chủ quan mà đại biểu rất quan ngại. Đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại thì các cấp, các ngành cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần dám làm, dám chịu…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc