Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:
Tháo gỡ vướng mắc trong công tác cảnh vệ và quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Chiều 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các dự án luật; đồng thời đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo các quy định ban hành đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi cao…
Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nội dung xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: quochoi.vn |
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.
Góp ý về đối tượng cảnh vệ, đại biểu thống nhất cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện KSND tối cao. Bởi căn cứ Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thì những chức danh trên có vị trí rất quan trọng: Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước. Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm.
Về nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, đại biểu đề nghị bổ sung các hội nghị, lễ hội, đại hội do MTTQ Việt Nam tổ chức vào nhóm sự kiện đặc biệt quan trọng thuộc đối tượng cảnh vệ.
Một số đại biểu đề nghị, các quy định về thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về cảnh vệ, pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ…
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này....
Các đại biểu thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn |
Nhấn mạnh dự thảo Luật Chính phủ trình cơ bản kế thừa các nội dung đã được điều chỉnh trong Luật hiện hành và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách và thực tiễn, tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, một số nội dung trong dự thảo Luật liên quan nhiều đến quy định của pháp luật hiện hành, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu chỉ nêu rõ, tại khoản 2 Điều 6 quy định “chỉ giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này” và cho rằng quy định như vậy là chưa chặt chẽ và chưa có sự ràng buộc giữa người giao và người được giao vũ khí, vật liệu nổ vì người đứng đầu cơ quan, tổ chức doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thể lợi dụng việc giao này chỉ cần đảm bảo đúng tiêu chuẩn tại khoản 1 Điều 7 mà không cần căn cứ vào việc người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình hay không.
Việc giao này nếu không đúng đối tượng sẽ rất khó bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích, đúng quy định. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng chỉ được giao giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình và đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật này.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: quochoi.vn |
Về đối tượng được sử dụng súng thể thao, đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật quy định toàn bộ lực lượng vũ trang được sử dụng loại súng này. Tuy nhiên, theo đại biểu, không phải đối tượng nào cũng được sử dụng. Sử dụng súng thể thao để phục vụ cho việc thi đấu thể thao trong nước, thi đấu thể thao quốc tế thì phù hợp, còn nếu là đối tượng khác thì sẽ không được sử dụng. Vì nếu không quy định chặt chẽ, rành mạch sẽ dẫn đến việc tùy tiện, lạm dụng sử dụng súng thể thao.
Liên quan vấn đề khai báo vũ khí thô sơ, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ đối tượng nào được sử dụng và đối tượng nào không được sử dụng; cần khai báo những loại vũ khí có tính sát thương cao cho lực lượng công an xã quản lý. Việc quy định rõ ràng rành mạch sẽ đảm bảo phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng các loại vũ khí này; đồng thời bảo đảm linh hoạt và phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất, lao động, sinh hoạt của người dân.
Một số ý kiến cũng cho rằng đây là luật chuyên ngành nhưng đối tượng phải thực hiện thì rất rộng, do đó phải coi trọng phổ biến, giáo dục pháp luật. Dù đã có quy trình xây dựng luật chặt chẽ, nhưng việc phổ biến, giáo dục, triển khai thực hiện luật cũng quan trọng không kém.
Đối với công tác tuyên truyền, việc tích cực vận động người dân thực hiện luật này là rất cần thiết. Theo đó cần vận động người dân không tham gia vận chuyển, tàng trữ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đề cao ý thức, trách nhiệm trong việc phát hiện, tố cáo những vi phạm về vấn đề này…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc