Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

19:09, 28/05/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 13/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ số 825/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 

Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và bố cục, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đồng thời, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng sắp xếp lại trật tự một số điều, khoản trong các chương II, III, IV bảo đảm logic, phù hợp hơn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đối với các nội dung phân quyền cho TP. Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP. Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cho TP. Hà Nội so với các địa phương khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định rõ các chính sách đặc thù cần được áp dụng, quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan và trình tự, thủ tục thực hiện để vừa thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố vừa có cơ chế để tổ chức thực hiện và kiểm soát việc thực thi.

Liên quan đến tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô. 

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về liên kết, phát triển vùng, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thiết kế có 1 chương riêng về liên kết, phát triển vùng trong đó thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước (Điều 44); xác định các chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô (khoản 1 Điều 45)…

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đề cập về giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc UBND, đại biểu cho rằng, TP. Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao.

Ngoài việc đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Đồng thời với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết. 

Về tổ chức chính quyền tại TP. Hà Nội, đại biểu cho biết, chủ trương của Đảng và các văn kiện Đại hội XI đến nay đều xác định chính quyền địa phương phải tổ chức phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo.

Thực tế cho thấy, đến nay TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều đã tổ chức mô hình đô thị một cấp chính quyền và rất hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của đô thị. Còn Hà Nội đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở phường.

Đại biểu cho rằng, nếu như dự thảo được thông qua, tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội là 2 cấp chính quyền, còn chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là một cấp chính quyền, nghĩa là không tổ chức HĐND quận và phường. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ lại mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô như trong dự thảo để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam. Đồng thời đề nghị cần phân cấp để UBND quận, phường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật, nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội; đồng thời lưu ý rà soát để bảo đảm tính đồng bộ với hai văn kiện rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo luật quy hoạch và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Luật Xây dựng mà Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, cho ý kiến ngay tại kỳ họp này…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc