Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

14:05, 28/05/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 28/5 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Nhiều ý kiến không tán thành dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án. Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính quy định: nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Từ đó nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, ỷ lại cho Tòa án thu thập, dẫn tới nhiều Tòa án quá tải công việc. Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ. Thực tiễn cho thấy, nếu Tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Tiếp thu ý kiến đại biểu và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 15 dự thảo Luật theo hướng: quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.

Về đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử.

Do còn có ý kiến khác nhau và Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nên UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Về Thẩm phán TAND (Mục 3 Chương V); Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án (Điều 114 và Điều 118), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm rõ, khác với công chức hành chính khác, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, là chức danh tư pháp đặc thù, trực tiếp giải quyết vụ án và chịu trách nhiệm về phán quyết của mình khi xét xử.

Dự thảo Luật quy định ngạch Thẩm phán TAND tối cao và ngạch Thẩm phán là cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục được nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Do đó, đề nghị cho giữ quy định tại khoản 1 Điều 90 dự thảo Luật về ngạch Thẩm phán TAND tối cao và ngạch Thẩm phán.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đối với ngạch Thẩm phán, cần thiết phải quy định các bậc Thẩm phán để có cơ sở bố trí Thẩm phán tại từng cấp Tòa án và sắp xếp vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

Quy định này cơ bản phù hợp Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó ghi rõ: “tăng cường phân cấp, phân quyền…”. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 90 đã được chỉnh lý theo hướng: giao UBTVQH quy định về bậc Thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao.

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa,...

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp… (Phương án 1 quy định tại khoản 3 và khoản 4 dự thảo Luật).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, đã có 150 lượt ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, 11 đại biểu Quốc hội gửi tham gia ý kiến bằng văn bản.

Đây là đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Tòa án, chế độ chính sách đối với các chức danh tư pháp của Tòa án nhưng có liên quan đến nhiều cơ quan khác hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Do đó, yêu cầu đặt ra đáp ứng tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng bộ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được UBTVQH thảo luận tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan tổ chức. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 9 Chương, 153 Điều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2013 và thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của TAND.

Các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật như quy định TAND thực hiện quyền tư pháp; thẩm quyền thành lập và giải thể các TAND; về TAND sơ thẩm chuyên biệt; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa; đổi mới TAND theo thẩm quyển xét xử; bảo vệ Tòa án; nhiệm kỳ của thẩm phán;...và nhiều nội dung quan trọng khác.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.