Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:
Tiếp tục rà soát các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo về KT-XH do Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, KT-XH nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistic trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, đại biểu đề xuất, kiến nghị một số giải pháp: Tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…
Một số đại biểu cho rằng, hiện nay hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 – 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu, đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu phản ánh về tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đó là: không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Ảnh: quochoi.vn |
Quan tâm đến mục tiêu giảm nghèo, đại biểu nêu rõ: Theo Báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở các huyện nghèo và dân tộc thiểu số đều đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao.
Công tác xóa đói giảm nghèo có tiến bộ, song qua giám sát và nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy còn rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung còn thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chưa được giải quyết triệt để. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của nhân dân…
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn…
Nhiều đại biểu cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất, giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân; chính sách cụ thể để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng; việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường carbon; khung pháp lý đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số; chất lượng dịch vụ công trực tuyến…
Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc