Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV (3)

08:38, 07/05/2024

6. Cử tri đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) quan tâm xem xét, hỗ trợ để tỉnh Đắk Lắk triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 1719); trong đó tập trung hỗ trợ triển khai các giải pháp xóa đói giảm nghèo; triển khai đầu tư các dự án phát triển kinh tế nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân được thụ hưởng chính sách; đảm bảo đất ở, đất sản xuất và các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS.

Bộ KH-ĐT trả lời: Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ KH-ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18/1/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có một số chính sách tác động trực tiếp đến các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, làm cơ sở để triển khai hiệu quả chương trình, gia tăng sinh kế cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức triển khai, giải ngân hết nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã được giao để sớm đưa các khoản hỗ trợ đi vào cuộc sống, từng bước giảm bớt khó khăn cho người dân, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

7. Cử tri đề nghị Bộ KH-ĐT xem xét bố trí vốn đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê, đầu tư nâng cấp và thông tuyến Quốc lộ 29 đến khu vực cửa khẩu Đắk Ruê (tỉnh Đắk Lắk); tiếp tục trao đổi, thống nhất với Chính phủ Hoàng gia Campuchia đầu tư xây dựng cửa khẩu Chi Miết (tỉnh Mondulkiri) và tuyến đường giao thông đến cửa khẩu.

Bộ KH-ĐT trả lời: Về bố trí vốn đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê: Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê, tỉnh Đắk Lắk chưa được thành lập theo quy định, do vậy chưa có cơ sở để bố trí vốn ngân sách Trung ương đầu tư hạ tầng thiết yếu cho khu vực kinh tế cửa khẩu từ ngành lĩnh vực khu công nghiệp và khu kinh tế.

Về đầu tư nâng cấp và thông tuyến Quốc lộ 29 đến khu vực cửa khẩu Đắk Ruê: Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến Quốc lộ 29 có điểm đầu tại cảng Vũng Rô, tỉnh Phú Yên và điểm cuối tại cửa khẩu Đắk Ruê, tỉnh Đắk Lắk với quy mô cấp III-IV, 2 - 4 làn xe, dài khoảng 293 km. Tuyến Quốc lộ 29 nêu trên thuộc thẩm quyền quản lý, vận hành và bố trí vốn của Bộ Giao thông vận tải. Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Giao thông vận tải, dự án chưa được đưa vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025.

Để có thể sớm đầu tư tuyến Quốc lộ 29 thông tuyến đến cửa khẩu Đắk Ruê, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk làm việc với Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về tiếp tục trao đổi, thống nhất với Chính phủ Hoàng gia Campuchia đầu tư xây dựng cửa khẩu Chi Miết (tỉnh Mondulkiri) và tuyến đường giao thông đến cửa khẩu: Nội dung này tại các cuộc họp Ủy ban hỗn hợp hai nước Việt Nam – Campuchia chưa thấy phía Campuchia đề cập, đặc biệt đây là cửa khẩu trên đất Campuchia; mặt khác các vấn đề liên quan đến cửa khẩu, đường nối cửa khẩu do Bộ Ngoại giao chủ trì, do đó Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp cung cấp thêm thông tin để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk trả lời kiến nghị của cử tri.

Từ nguồn vốn của Chương trình 1719 đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đập thôn 11, xã Cư Prông (huyện Ea Kar) giúp tưới tiêu cho 75% diện tích lúa nước trong vùng. Ảnh: Thuận Nguyễn

8. Cử tri kiến nghị Bộ KH-ĐT có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, công ty Việt Nam đầu tư, hoạt động tại Campuchia, nhất là các doanh nghiệp, công ty đầu tư, sản xuất khu vực biên giới.

Bộ KH-ĐT trả lời: Việc ban hành cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, công ty Việt Nam đầu tư, hoạt động tại Campuchia, nhất là các doanh nghiệp, công ty đầu tư, sản xuất tại khu vực biên giới, đặc biệt là các hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tài chính phải đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, khả thi về nguồn lực và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 482/QĐ-TTg, ngày 14/ 4/2010 ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu tiên đầu tư dành cho các tỉnh của Việt Nam có biên giới với Lào hoặc Campuchia; ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện một số dự án đầu tư tại các tỉnh của Lào, Campuchia có biên giới với Việt Nam và ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư tại các tỉnh biên giới của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát tình hình triển khai quyết định nêu trên để có cơ sở đề xuất việc áp dụng các cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư tại Campuchia và khu vực biên giới đảm bảo tính khả thi, phù hợp và hiệu quả.

(Còn nữa)

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.