Multimedia Đọc Báo in

Cán bộ, đảng viên phải có tinh thần “6 dám”, “5 không”

09:29, 03/06/2024

Ngày 9/5/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144). Đây là một bước tiến trong việc cụ thể hóa hơn nữa các quy định đối với cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã ban hành trước đó.

Với việc ban hành Quy định 144, Bộ Chính trị đã truyền đi thông điệp là Đảng rất nghiêm túc, quyết liệt khi đề ra những tiêu chuẩn đạo đức ở mức rất cao đối với cán bộ, đảng viên với tinh thần “6 dám”, “5 không”.

“6 dám” để nhận diện bản lĩnh và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên

Điểm mới đáng chú ý trong quy định về đạo đức của cán bộ, đảng viên nằm ở Điều 2.

Trong đó, Đảng đã nêu ra bốn nhóm tiêu chí về bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo và hội nhập giúp hình dung cụ thể hơn và như thế nào là một cán bộ, đảng viên có bản lĩnh trong bối cảnh hiện nay.

Điều đó được thể hiện qua việc Đảng chính thức coi “6 dám” là những chiều cạnh để nhận diện bản lĩnh và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, điều hành hội nghị. Ảnh tư liệu: Nguyễn Xuân
Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk chủ trì, điều hành hội nghị đối thoại. (Ảnh tư liệu: Nguyễn Xuân)

Đảng ta yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Cụ thể, “dám nghĩ” tức là dám thể hiện tư duy đổi mới, bứt phá nhằm khai thông, mở lối phát triển để đạt hiệu quả tối ưu trước một vấn đề, một công việc nào đó, nhất là cái mới, việc mới chứ không phải thụ động, tuân theo những nếp nghĩ, thói quen phổ biến.

Sau khi “dám nghĩ” thì mỗi người phải “dám nói”, là thể hiện dũng khí, tính cương trực, thẳng thắn, công tâm khi nhận định, xem xét, phán quyết một vấn đề, một sự việc nào đó. Còn “dám làm” tức là dám hành động và dám chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Những quy định này sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên ý thức rõ hơn về trách nhiệm và bổn phận của mình mỗi khi phát ngôn hay hành động. Đi cùng đó là sẵn sàng thực hiện trách nhiệm giải trình, khắc phục hậu quả hoặc tự giác chấp hành các hình thức, mức độ kỷ luật khác trước những hậu quả từ vi phạm của mình.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, Đảng coi “dám đổi mới, sáng tạo” và “dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung”, vì nước, vì dân là rất đúng đắn.

Bản chất của những “dám” này là khuyến khích tinh thần dấn thân, sẵn sàng tư duy và hành động đột phá trước những vấn đề khó khăn mà thực tiễn đang đặt ra để phụng sự lợi ích chung của nhân dân, của đất nước.

Có thể thấy, “6 dám” là những phẩm chất cần và đủ, có quan hệ chặt chẽ với nhau và là một chỉnh thể cần phải có trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.

“5 không” để tăng “đề kháng” trước cám dỗ

Điều 3, Quy định 144 đã cụ thể hóa những chuẩn mực đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh được cụ thể hóa sát hợp với yêu cầu và thực tiễn mà cán bộ, đảng viên cần có.

Trong đó, đặt ra yêu cầu với mỗi cán bộ, đảng viên là phải tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong sạch, trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; nêu cao lòng tự trọng, danh dự.

Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện đúng “5 không”: Không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực khác của tập thể và cá nhân; không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Quy định về “5 không” trong Quy định 144 là mệnh lệnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh, “đề kháng” trước cám dỗ của vật chất và quyền lực, bởi đó là những thứ có sức “hấp dẫn” rất lớn, nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng “nó khéo dỗ dành con người ta đi xuống”.

Trung ương yêu cầu cán bộ phải thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Như vậy, cùng với Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về “văn hóa từ chức” trong Đảng và hệ thống chính trị.

Trong mỗi giai đoạn của sự nghiệp cách mạng, yêu cầu về phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên mang những nét đặc thù riêng, gắn với nhiệm vụ cụ thể.

Bối cảnh mới đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nêu cao đạo đức cách mạng, thực sự tiên phong, gương mẫu, bởi theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Quy định 144 chính là “cẩm nang” của người cách mạng. Những điều, điểm được ghi trong quy định chính là những tiêu chí mang tính “định lượng” để tổ chức đảng nói chung và từng cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu rèn luyện, tu dưỡng bản thân, để luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý của cán bộ, đảng viên, đáp ứng được lòng mong mỏi và sự tin tưởng của nhân dân, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.