Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Cần có chính sách, thể chế hoàn thiện để xây dựng tổ chức hiệu quả thế trận phòng không nhân dân

14:33, 27/06/2024

Sáng 27/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Đường bộ (tỷ lệ 91,98% đại biểu tán thành) và thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tỷ lệ 79,84% đại biểu tán thành).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân. Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới chỉ có những quy định khung, mang tính nguyên tắc, trong khi đó, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: quochoi.vn

Cho ý kiến về những nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng quy định về phòng không nhân dân hiện nay đang được quy định rất nhiều trong các luật chuyên ngành của quân sự. Tuy nhiên, các luật này chưa cụ thể hóa nhiệm vụ của phòng không nhân dân. Đại biểu đề nghị cân nhắc những quy định huy động phòng không nhân dân, đối tượng này thường là của lực lượng dân quân, tự vệ cơ quan, không phải trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cần quy định cho phép đối tượng được thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ.

Về độ tuổi tham gia phòng không nhân dân, đại biểu đề nghị quy định tuổi tối thiểu mà không quy định tuổi tối đa, miễn là còn đủ sức khỏe phục vụ, vì đối tượng này làm nhiệm vụ hậu cần là chủ yếu; còn lĩnh vực chiến đấu do lực lượng khác đảm nhiệm. 

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định 7 loại hành vi bị nghiêm cấm gồm: Trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân; Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; Cung cấp thông tin, chỉ điểm, quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ làm lộ mục tiêu trận địa, kế hoạch, trang bị kỹ thuật, các công trình chiến đấu và phá hoại, làm thay đổi hiện trạng công trình phòng không nhân dân…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng ngoài 7 hoạt động này, còn nhiều hoạt động khác làm phương hại đến phòng không nhân dân, chưa được dự thảo Luật nhắc tới, cũng chưa được lường trước. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản ở điều này, quy định nghiêm cấm các hành vi khác ảnh hưởng đến phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đề nghị ban soạn thảo bổ sung, rà soát với các luật mới được Quốc hội thông qua, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và các dự án luật: dự án luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, dự thảo luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... để đảm bảo tính tương thích. Bổ sung báo cáo rà soát tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật dự thảo luật đã bám sát năm chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phân tích rõ hơn để đảm bảo sự thống nhất và chặt chẽ trong chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng dân quân tự vệ, cũng như mối quan hệ giữa lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng phòng không không quân của quân đội.

Về giải thích từ ngữ quy định tại khoản 7 điều 2 quy định: phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay dân gian, dù bay mà khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và an toàn hàng không.

Tại khoản 2 Điều 21 Luật Hàng không Việt Nam quy định: phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các loại khí cầu và mô hình bay. Khí cầu là thiết bị bay mà lực năng được tạo bởi chất khí chứa trong vỏ bọc của nó bao gồm khí cầu bay có người điều khiển và khí cầu bay không có người điều khiển. Mô hình bay bao gồm các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay được gắn với động cơ, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn... Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định của dự thảo để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân quy định tại Điều 14, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung phân tích lý do tại sao lại lựa chọn độ tuổi như dự thảo luật, bởi đến năm 2026, độ tuổi nghỉ hưu của nam giới là 61 tuổi 6 tháng và nữ giới là 57 tuổi.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định phân loại hoặc miễn trừ đối với việc đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, để làm giảm bớt các chi phí bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, quy định yêu cầu người sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi và có kiến thức hàng không, cũng cần phải được xem xét lại về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn của quy định này.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cũng bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và các nội dung của Báo cáo thẩm tra. Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã và sẽ cho ra đời nhiều loại vũ khí tiến công đường không hiện đại, độ chính xác cao, trong đó đặc biệt có máy bay không người lái với số lượng lớn, giá rẻ vừa tác chiến diện rộng, vừa có thể tấn công được mục tiêu rất nhỏ như xe tăng, xe thiết giáp… thậm chí là các mục tiêu nằm sâu trong nội địa của đối phương.

Đại biểu nhấn mạnh, đối với nước ta, với mục tiêu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, vai trò của phòng không nhân dân trong tham gia chiến đấu với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân để ngăn ngừa đánh địch ở khu vực không gian tầm thấp là hết sức quan trọng. Do vậy, chúng ta cần phải có chính sách, thể chế hoàn thiện để xây dựng tổ chức hiệu quả thế trận phòng không nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu cũng xem xét, thảo luận về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc