Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Giải quyết nhiều tồn đọng, đáp ứng mong mỏi của người dân về vấn đề đất đai, nhà ở
Chiều 21/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Tại phiên thảo luận đã có 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Các đại biểu cơ bản nhất trí việc sớm thi hành các Luật; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về tính khả thi, mức độ đáp ứng các điều kiện đảm bảo thi hành Luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp; rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật; nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực để có giải pháp kiểm soát, khắc phục.
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ về trách nhiệm liên quan, báo cáo các đại biểu Quốc hội sau khi Luật được thông qua, không để xảy ra khoảng trống và kẽ hở pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi thông qua Luật để bảo đảm sự thống nhất và đồng thuận cao.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Luật Đất đai có lẽ là bộ luật duy nhất đến thời điểm này được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng qua quy trình 4 kỳ họp, hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cụ thể hóa nhiều nội dung mà trước đây thường nằm trong thông tư, nghị định nên có thể thực hiện ngay, không cần văn bản hướng dẫn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VOV |
Bộ trưởng khẳng định, rất nhiều chính sách của 3 luật sẽ khơi thông nguồn lực của đất nước và thu hút nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đất đai, trong đó giải quyết được nhiều tồn đọng, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
Chứng minh cho nhận định trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu ví dụ về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn thực hiện phải làm sớm việc đo vẽ, rà soát đất đai nông, lâm trường, rà soát đất đai của các địa phương, từ quỹ đất đó mới có được chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, luật có hiệu lực sớm có nghĩa công việc tiến hành sớm và giải quyết được sớm hơn.
Hay Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định những hộ gia đình có đất ở ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật từ 1/7/2014 trở về trước sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đang chỉ đạo tiến tới sẽ thực hiện nhanh, khẩn trương và toàn diện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân và thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai.
Cũng theo Bộ trưởng, kiều bào rất mong muốn luật có hiệu lực sớm để còn có cơ hội về được tham gia trong thị trường đất đai như người Việt Nam. Rồi liên quan giao đất, cho thuê đất, thực hiện cho lợi ích quốc gia công cộng. Rất nhiều nội dung hiện nay doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất mong chờ để giải quyết điểm nghẽn, nút thắt và thu hút được nguồn lực cho đất nước. Bên cạnh đó, luật đã tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, qua đó thuận lợi thủ tục hành chính, thời gian để thu hút nhà đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc