Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Khẳng định vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn

18:32, 03/06/2024

Chiều 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu xem xét, đánh giá Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Tờ trình tại phiên làm việc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, việc sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Do Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, nên có những quy định của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp. Sau Đại hội XII, XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn; đặc biệt Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua tháng 11/2019, với nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp, khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn. Do đó, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

Đồng thời, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nêu trên, đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn”.

Về địa vị pháp lý của Công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, nội dung này được quy định tại Điều 1 Luật Công đoàn 2012. Do được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, nên một số nội dung tại Điều 1 nêu trên chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Quy định Công đoàn “cùng với” cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội “chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” đã làm mờ nhạt vai trò của tổ chức Công đoàn, đồng thời gây khó khăn cho việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm và không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Công đoàn.

Bên cạnh đó, việc xác định và sắp xếp thứ tự các đối tượng Công đoàn đại diện cũng được xem xét để đảm bảo “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động” trong bối cảnh mới, khi mà công nhân, lao động đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đoàn viên, người lao động cả nước.

Về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra rằng, Điều 10 Luật Công đoàn 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng, cụ thể để tổ chức Công đoàn thực hiện có hiệu quả quyền, trách nhiệm của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo Bộ luật Lao động 2019 thì các quy định tại điều này phải được tiếp tục duy trì và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo đó, Công đoàn có quyền, trách nhiệm: Đối thoại với người sử dụng lao động; Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động... theo quy định của pháp luật lao động.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung mới một số quyền, trách nhiệm của công đoàn nhằm bảo đảm sự thống nhất với các đạo luật khác đã quy định cho Công đoàn: Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (khoản 11 Điều 11 dự thảo Luật); Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (khoản 12 Điều 11 dự thảo Luật); Tham gia điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật (khoản 13 Điều 11 dự thảo Luật); Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế công đoàn phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động theo quy định của pháp luật (khoản 14 Điều 11 dự thảo Luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tuy nhiên, các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới, đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu các nội dung như: bảo đảm chính sách dân tộc; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật; hồ sơ dự án Luật; tính khả thi; giải thích từ ngữ (Điều 4); hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10); về quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Công đoàn (Điều 11); tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động (Điều 18); quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở đơn vị sử dụng lao động chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Điều 20); trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn (Điều 24); bảo đảm về tổ chức, cán bộ (Điều 26); mối liên hệ giữa dự thảo Luật và Điều lệ Công đoàn…

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc