Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Khuyến khích xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa

14:29, 26/06/2024

Sáng 26/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An (tỷ lệ 93,21% đại biểu tán thành) và thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (tỷ lệ 93% đại biểu tán thành).

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Sau hơn 20 năm thực hiện, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn và những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, cũng như để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển mới của hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Ngày 18/6, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật. Đây là nội dung được nhiều cử tri quan tâm và được các đại biểu Quốc hội phát biểu với 96 lượt ý kiến về dự án Luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh 7 vấn đề chung, 9 vấn đề cụ thể, 8 nội dung gợi ý thảo luận tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận kỹ một số nội dung như: quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; các chính sách phát triển di sản văn hóa; khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thời gian qua và tạo hành lang pháp lý kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Đại biểu đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, nhiều đổi mới sát thực tiễn hơn so với Luật hiện hành. Đại biểu chỉ rõ, dự Luật có đề cập đến nhiều chính sách về phát triển văn hóa nói chung và nhiều chính sách về giá trị văn hóa tôn giáo, di tích lịch sử văn hóa nói riêng.

Liên quan đến quy định về xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm khuyến khích mở rộng việc tổ chức, cá nhân được tham gia và không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử cùng với các tổ chức, cá nhân như các hội trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ như dự thảo đã quy định tại khoản 1, Điều 88 đủ điều kiện tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Vì vậy, ngoài Hội Khoa học và công nghệ thì Hội Khoa học lịch sử từ Trung ương đến địa phương đã và đang tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như khi tiến hành các công việc giám định di vật, cổ vật. Tại Điều 39 dự thảo có quy định yêu cầu chuyên môn khi giám định có liên quan đến lịch sử niên đại của di vật, cổ vật, cho nên cần xem xét bổ sung nội dung này. 

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản, đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Nghiên cứu dự thảo Điều 63 về nhiệm vụ của bảo tàng, Điều 41, 44, 48 về quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật và thực trạng nhiều hiện vật sau khi được khai quật, thu thập chưa thực sự được bảo vệ; bảo quản, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong môi trường, phù hợp với các yêu cầu về quản lý, trưng bày hiện vật, đại biểu cho rằng, cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật. 

Đề cập đến vấn đề di tích lịch sử văn hóa tôn giáo, đại biểu cho biết, Điều 24 Hiến pháp 2013 đã xác định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Hiện cả nước đã có nhiều tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đã ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 cùng nhiều văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện để các tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật.

Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này cũng có đề cập đến các quy định về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử, di vật, cổ vật, di sản tư liệu nói riêng. Riêng về di tích lịch sử văn hóa tôn giáo đang chứa đựng không chỉ giá trị di sản vật thể mà còn có cả giá trị phi vật thể cùng hòa đồng tích hợp. Đại biểu mong muốn được xem xét cụ thể hóa về tiêu chí nhận diện di tích hỗn hợp và xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Góp ý về chính sách của nhà nước đối với di sản, đại biểu cho biết, dự thảo luật quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ rất khó khi triển khai trong thực tiễn, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách, cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến việc tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số ít người, sinh sống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống, đào tạo, truyền dạy người kế cận, đại biểu cho rằng, quy định này được đặt ra nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện và quy định rõ chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung và chế độ đãi ngộ có khác gì so với các nghệ nhân khác hay không.

Đại biểu cũng đề nghị cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung kịp thời, qua đó phát huy mọi khả năng đóng góp của công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống.

Thảo luận về quyền sở hữu và các quyền liên quan đến di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động của bảo tàng và di sản tư liệu, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có các quy định cụ thể cho các trường hợp di sản văn hóa tôn giáo, di tích văn hóa là cơ sở tôn giáo của các tổ chức tôn giáo do các tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý, sử dụng và là đại diện cho chủ sở hữu nhằm giải quyết các bất cập chồng chéo lâu nay trong công tác quản lý di tích giữa các tổ chức tôn giáo và các ban quản lý di tích.

Đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật đã được đăng ký.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Mặt khác, cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương cổ vật”…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc