Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Thúc đẩy quá trình phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý khu vực đô thị và nông thôn

14:33, 28/06/2024

Sáng 28/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), với tỷ lệ 95,06% đại biểu tán thành và thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), với tỷ lệ 95,47% đại biểu tán thành.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Dự thảo Luật đã thiết kế logic, rõ ràng 9 nhóm nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan. 

Qua đó đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có một số nội dung mới nổi trội như quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch; phân định, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. 

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng đây là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; tin tưởng những nội dung mới của dự thảo Luật sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy cho quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý tại khu vực đô thị và nông thôn. Đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có thời hạn 20 - 25 năm là phù hợp với lộ trình triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng tại đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch là 10 năm. Vì vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần có các quy định yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch của tỉnh. 

Đồng thời cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa giữa khu chức năng và đô thị, giữa khu chức năng và nông thôn, giữa đô thị và nông thôn.

Đại biểu cũng đánh giá, trong xu thế mở cửa, tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn, dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống. Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng, nhà theo kiến trúc truyền thống… thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai, kiến trúc lập khuôn.

Do đó, để đảm bảo quy hoạch phát triển bền vững, tại Điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền. Tương tự, đề nghị rà soát lại khoản 6 Điều 2 về giải thích từ ngữ nhằm bổ sung yếu tố văn hóa đi liền với yếu tố kinh tế - xã hội.

Một số ý kiến cho rằng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Theo đại biểu việc xây dựng Luật này cũng là môt cơ hội để nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc; vừa là tiền đề, làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên.

Đại biểu chỉ ra rằng, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

Đại biểu đưa ra dẫn chứng, theo dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỉ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh. Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên.

Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo… Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó đại biểu đề nghị dự Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan tới kinh phí để lập quy hoạch bao gồm cả rà soát, điều chỉnh (nếu có) và thủ tục lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, theo đại biểu, việc quy định được sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện nội dung này theo quy định tại dự thảo Luật là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có việc lựa chọn đơn vị tư vấn.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 18, việc lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định pháp luật về đấu thầu hoặc lựa chọn theo hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch. Đại biểu cho biết, trong thực tế triển khai hầu hết các gói thầu tư vấn thực hiện cho các công tác quy hoạch đều thuộc đối tượng phải đấu thầu dẫn đến kéo dài thời gian và hoàn thành công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt có nhiều trường hợp  phải thực hiện đấu thầu hai lần.

Đại biểu đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến công tác lập, điều chỉnh quy hoạch lên mức không quá 1 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Riêng đối với các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn tài trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước được thực hiện chỉ định lựa chọn đơn vị tư vấn không phụ thuộc vào hạn mức.

Giải trình vấn đề đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có một phần đô thị. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.

Dự thảo luật đã phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định theo Điều 5 của dự thảo luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn

Nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phận ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi.. theo quy hoạch của luật chuyên ngành.

Liên quan đến vai trò, sự cần thiết lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch.

Theo đó, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị trong thành phố trung ương và không có quy định việc đề xuất mô hình cấu trúc phát triển đô thị định hướng phát triển không gian tổng thể và từng khu vực tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển các khu chức năng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố với các khống chế về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch.

Bộ trưởng cũng nêu một số điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị của thành phố trực thuộc trung ương có một số điểm khác nhau về khái niệm, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng, nội dung quy hoạch, vai trò, yêu cầu đối với công tác quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng, mức độ nội dung thông qua tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo.

Do đó, cần thiết cần thiết có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương. Việc lập quy hoạch chung này cũng đảm bảo tính kế thừa, không trùng lắp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật. 

Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua cũng đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch của thành phố trực thuộc trung ương... Quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian; đồng thời đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc trung ương.

Về sự cần thiết lập quy hoạch chung huyện, Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện là một trong nội dung của quy hoạch tỉnh. Trong đó, quy định phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện bao gồm việc xác định phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm của từng vùng liên huyện vùng huyện đối với quy hoạch chung huyện.

Quy hoạch tỉnh chỉ có tính chất là xác định phạm vi, tính chất, định hướng phát triển trọng tâm về kinh tế xã hội của huyện, làm cơ sở để lập quy hoạch chung của huyện và phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện trong quy hoạch tỉnh không bao gồm các nội dung như: dự báo xác định mục tiêu, động lực phát triển, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của quy hoạch, mô hình phát triển tổng thể của huyện, định hướng phát triển không gian các khu vực trong huyện...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục cùng với cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc