Multimedia Đọc Báo in

Luận điệu cố tình xuyên tạc và hoàn toàn sai sự thật

08:37, 05/06/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa có tính bền vững của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bôi đen, bịa đặt những thông tin xấu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh hòng làm suy giảm tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Bác, sâu xa hơn là làm tổn thương niềm tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là âm mưu vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch đang nuôi dã tâm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một nội dung của chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Một trong những sự kiện thường bị các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bôi nhọ nhất là sự kiện ngày 5/6/1911 từ bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên tàu sang Pháp đi tìm đường cứu nước.

Trong một bài viết, Nguyễn Thế Anh (nguyên là Trưởng khoa Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thời Mỹ - ngụy) và Vũ Ngự Chiêu (nguyên là sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hòa) đã đưa ra hai lá thư của Nguyễn Tất Thành đề ngày 15/9/1911 gửi cho Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp xin được đặc cách vào học Trường Thuộc địa Paris, nơi đào tạo quan lại cho các thuộc địa Pháp, trong đó có Ðông Dương.

Hai lá đơn trên đều bị từ chối, Nguyễn Tất Thành tiếp tục làm việc trên các tàu biển. Ngày 15/12/1912, từ New York (Hoa Kỳ), Nguyễn Tất Thành gửi viên khâm sứ Pháp tại Huế một lá thư xin ban cho cha là Nguyễn Sinh Huy một chức việc nhỏ để ông có điều kiện sinh sống. Các đối tượng vin vào các lá đơn và lá thư trên để nói rằng khi ra đi, Nguyễn Tất Thành chỉ nhằm mục đích sinh nhai!

Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh: TTXVN

Sự thật có đúng như vậy không?

Trường Thuộc địa tại Pháp được thành lập năm 1885 và đến năm 1889 mới mở các lớp đào tạo công chức cho các cơ quan của xứ thuộc địa Đông Dương, sau đó ít lâu thì mở rộng ra cho tất cả các thuộc địa của nước Pháp.

Đến năm 1896, trường mới tuyển sinh đào tạo ngạch quan cai trị cho các thuộc địa. Trong khi đó thì trường vẫn giữ lại bộ phận dành riêng cho các học sinh xứ Đông Dương gọi là Tiểu ban bản xứ.

Nghị định ngày 30/4/1910 cải tổ lại Tiểu ban bản xứ xác định cụ thể mục tiêu đào tạo các kỹ thuật viên phụ tá của chính quyền thuộc địa Đông Dương như kế toán viên, điện báo viên, chỉ huy công trường...

Và hiện tại, kho Lưu trữ nước Pháp, bộ phận Hải ngoại, phòng Trường Thuộc địa, bìa số 27, số hồ sơ 11 còn lưu giữ lá đơn xin học của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống nước Pháp từ Mác-xây đề ngày 15/9/1911. Ngày 15/12/1912, từ New York, với tên gọi Paul Tất Thành, anh Nguyễn đã viết thư cho Khâm sứ Trung kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha anh là Nguyễn Sinh Sắc (tên thật là Nguyễn Sinh Huy). Nội dung lá thư hoàn toàn không hề có việc anh xin ban cho ông Nguyễn Sinh Huy một chức việc nhỏ như các đối tượng nói trên đã viết.

Như vậy, thông tin về nội dung lá thư Nguyễn Tất Thành gửi cho Khâm sứ Trung kỳ là hoàn toàn sai sự thật. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào lá đơn xin học Trường Thuộc địa Pháp để rồi đi đến kết luận Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài vì mục đích sinh nhai thì hoàn toàn phiến diện và sai sự thật.

Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên, Bác đã lý giải lý do mình muốn ra nước ngoài là: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Hồ Chí Minh đã trả lời nhà văn Mỹ Anna Louis Strong: “Nhân dân Việt Nam trong đó ông thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Hơn nữa, nếu như thực sự Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra nước ngoài vì muốn tìm lấy một công việc tốt, vì kế sinh nhai thì có không ít cơ hội nhưng Người đã từ chối tất cả. Nếu Hồ Chí Minh chấp nhận cộng tác với Pháp hoặc Mỹ, thì chắc chắn Người sẽ có một cuộc sống giàu có, sung túc hơn hẳn việc học ở Trường Thuộc địa để rồi sau đó làm một công chức bình thường.

Như vậy, có thể khẳng định, năm 1911 khi viết đơn xin vào học Trường Thuộc địa, mục đích của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành là tranh thủ học lấy một nghề chuyên môn, để nắm được kỹ thuật phương Tây mà nước Pháp lúc đó là một trong những nước đứng hàng đầu với mục đích sau này về nước phục vụ đồng bào, Tổ quốc chứ tuyệt nhiên không phải về làm quan cai trị như những phần tử phản động cố tình xuyên tạc.

Năm 1911, từ cảng Nhà Rồng - Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu sang Pháp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước - hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Đây là một quyết định táo bạo và sáng suốt, đặt nền móng quan trọng để Người khảo nghiệm, đánh giá và tìm ra được con đường cứu nước giải phóng dân tộc, con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là một sự thật hiển nhiên mà các thế hệ người Việt Nam và những nhà khoa học chân chính cả trong và ngoài nước thừa nhận cho dù các thế lực phản động có tìm mọi cách vu khống, xuyên tạc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

*Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất Sự thật, Hà Nội, 1976.

* Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 1.

* Đinh Xuân Lâm, Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

TS. Lại Thị Ngọc Hạnh

(Trường Đại học Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.