Multimedia Đọc Báo in

Khắc ghi lời huấn thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

08:26, 22/07/2024

Trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, dành nhiều tình cảm với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí đã ba lần về thăm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đắk Lắk và có những chỉ đạo, định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN), chăm lo đời sống người dân…

Những chỉ đạo, định hướng chiến lược

Cách đây 13 năm, vào tháng 4/2011, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đến thăm, làm việc tại tỉnh Đắk Lắk về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH theo tinh thần Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11 của Chính phủ; công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trên địa bàn.

Tiếp đó, vào tháng 11/2018, ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại tỉnh về tình hình phát triển KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ XVI và cùng chung vui, tham dự “Ngày hội Đoàn kết dân tộc” với đồng bào các dân tộc tại huyện Krông Ana.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tháng 11/2018. Ảnh: Nguyễn Gia

Tại các chuyến công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo, định hướng, gợi mở quan trọng để Đắk Lắk phát huy tiềm năng, thế mạnh, vững vàng hội nhập, phát triển trong giai đoạn mới.

“Thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, cả hệ thống chính trị cần quan tâm để phát triển KT-XH đạt hiệu quả cao hơn nữa; quan tâm nhiều hơn đến đời sống dân sinh, đồng bào dân tộc thiểu số, cả những đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc đến đây sinh sống. Những kết quả đạt được cần phát huy mạnh mẽ, không được chủ quan. Đồng thời cần có những đánh giá tổng kết sâu sắc để đề ra những chương trình chiến lược nhằm xây dựng tỉnh Đắk Lắk thành trung tâm về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên…” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về tình hình KT-XH, QP-AN và công tác xây dựng Đảng vào chiều 10/11/2018.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Đắk Lắk là địa bàn chiến lược, tiềm năng còn lớn, đặc biệt là tài nguyên đất đai, do vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền cần vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước sát với thực tế địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, bảo vệ rừng; bảo đảm thu nhập và đời sống cho người lao động.

Về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần có những biện pháp tổng hợp, xây dựng cơ sở vững chắc, lâu dài, đó là lòng dân; bên cạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Đắk Lắk cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo Tổng Bí thư, nội bộ Đảng trong sạch, tổ chức đảng vững mạnh, đội ngũ cán bộ vững vàng thì mới tổ chức được nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ…

Cụ thể hóa lời huấn thị

Quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi về thăm, làm việc đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh qua các thời kỳ cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động với quan điểm kiên định theo hướng phát triển KT-XH nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm QP-AN…

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, tặng quà các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk năm 2011. Ảnh: Nguyễn Gia

Theo ông Y Khút Niê, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, trong mỗi lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Đắk Lắk, đồng chí đã quán triệt rất sâu sắc những nhiệm vụ, định hướng cụ thể, nêu rõ vị trí vai trò và tầm quan trọng của Tây Nguyên, Đắk Lắk đối với đất nước, đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển KT-XH; giữ vững an ninh chính trị; nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc…

Thực hiện lời huấn thị của đồng chí Tổng Bí thư, trong các nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Trung ương, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, KT-XH của tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng; diện mạo nông thôn, thành thị cũng như đời sống người dân có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng được nâng cao…

Còn bà Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Được lĩnh hội, quán triệt những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình trong gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, vai trò của đại đoàn kết các dân tộc; đưa các hoạt động về vùng sâu, vùng xa, có những tác phẩm sáng tác về đề tài này; đồng thời tổ chức công bố, giới thiệu tác phẩm đến với nhiều vùng miền trong cả nước.

Với sự định hướng, chỉ đạo, cũng như những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra cho văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng sẽ tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực đổi mới sáng tạo, có nhiều tác phẩm giá trị về nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thời đại hiện nay…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.