Multimedia Đọc Báo in

Nhà giàn DK1 – những cột mốc chủ quyền vững vàng giữa biển khơi

09:18, 07/07/2024

Kể từ ngày thành lập, suốt 35 năm qua, các nhà giàn DK1 tồn tại hiên ngang giữa biển Đông như một bằng chứng lịch sử về ý chí kiên cường bám trụ, quyết tâm giữ biển của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam.

15 nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa Tổ quốc chính là những cột mốc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam ở biển Đông.

Người “khai sinh” nhà giàn DK1

Người khơi nguồn xây dựng nhà giàn DK1 trên các bãi đá ngầm trong vùng biển thềm lục địa phía Nam của Việt Nam là Thượng tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, vị đô đốc đầu tiên của quân đội ta. Cho đến bây giờ, sau hơn 3 thập kỷ ra đời tồn tại và phát triển, nhà giàn DK1 vẫn là bằng chứng sinh động về sự sáng tạo, quyết chí của một vị tướng tài ba.

Thời đó, Tư lệnh Giáp Văn Cương nhận thấy, các giàn khoan dầu khí hoạt động nhất thiết phải có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, lực lượng này nhất thiết phải sử dụng bộ đội Hải quân, đủ sức mạnh, am hiểu về biển đảo. Ông Cương đưa ra các luận điểm sát thực, lý do phải xây dựng nhà giàn DK1.

Thứ nhất, việc triển khai lực lượng ra trấn giữ theo “vòng cung” từ hướng biển trên phần thềm lục địa của Tổ quốc, là đỉnh cao “chiến lược phòng thủ biển”, vừa bảo vệ an toàn cho các giàn khoan dầu khí hoạt động, khai thác và phát triển kinh tế biển trong tương lai, vừa có tầm chiến lược lâu dài, bảo vệ đất nước từ hướng biển. Ngay từ năm 1985, ông Cương đã dự báo “trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chính trường của Hải quân Việt Nam”, vì thế việc xây dựng các nhà giàn trên các bãi san hô ngầm là một tất yếu.

Việc xây dựng nhà giàn vô cùng khó khăn, gian khổ. Ảnh tư liệu

Thứ hai, xây dựng nhà giàn là xuất phát từ thực tiễn tổng kết lịch sử trong chiến tranh vệ quốc của Việt Nam. Đối phương đến xâm chiếm Việt Nam có 10/14 cuộc chúng tấn công nước ta từ đường biển, vì vậy bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển là “bất di bất dịch” không thể làm khác. Kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa trong 2 năm 1986 - 1987 mà tướng Cương cho rằng phải triển khai là nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi, đảo chìm. Trong đó bố trí một lực lượng ra khảo sát, chốt giữ trên các bãi đá ngầm, vùng biển thềm lục địa phía Nam Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo.

Từ nhà giàn đầu tiên…

Sau khi có quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Công binh thăm dò, khảo sát và tiến hành xây dựng các nhà giàn trên các bãi san hô ngầm.

Ngày 6/11/1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 chở đoàn khảo sát vượt sóng ra thềm lục địa, tiến hành đánh dấu tọa độ, đo độ sâu, khảo sát các bãi san hô ngầm. Đến đầu tháng 5/1989, biên đội tàu HQ-668 của Lữ đoàn 171, HQ -711 của Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ Giao thông vận tải chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần. Giữa biển khơi bao la, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, những người thợ đóng giàn ngành dầu khí cùng các chiến sĩ công binh chạy đua với thời gian, chia ca làm việc 24/24 giờ, không kể đêm ngày.

Công việc đóng nhà giàn vô cùng gian khổ, sóng gió đại dương khó lường, chỉ cần sơ sẩy là nguy hiểm đến tính mạng. Việc đầu tiên là dọn bãi đặt chân đế boong tong. Những người thợ lặn đeo bình ôxy, mặc áo nhái lặn sâu xuống đáy biển, dùng vật dụng chuyên dùng san phẳng bãi san hô rồi khoét sâu một lỗ rộng chừng 60 m để đặt khối boong tong vào đó. Khối boong tong kết cấu bằng thép bán kính chừng 16 m, bơm đầy xi măng vào trong, đánh chìm xuống đáy. Những người thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng chảy, vừa “lái” khối boong tong vào đúng lỗ đã được đào sẵn. Kết nối giữa khối boong tong và 4 cọc bích cắm sâu vào san hô là 4 sợi dây xích siêu bền chịu được sóng to, dòng chảy mạnh. Công đoạn thứ hai là kết nối boong tong và khối thượng tầng. Những người lính công binh lại ngụp lặn trong lòng biển để làm những công việc “độc nhất vô nhị” này. Biết bao hiểm nguy rình rập và họ có thể thiệt mạng bất cứ lúc nào khi sự cố xảy ra.

Sau hơn một tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ công binh và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng và tự hào khôn xiết. Đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 - người vượt biển trên con tàu HQ-668 cùng các chiến sĩ công binh xây dựng nhà giàn Phúc Tần cho biết: Nhà giàn Phúc Tần xây dựng ngày ấy như một cuộc thử nghiệm. Tuy so với thế hệ nhà giàn sau này có phần hạn chế về tính năng, tác dụng và kỹ chiến thuật, nhưng đó là cơ sở để thiết kế xây dựng các nhà giàn sau này hiện đại hơn.

Tiếp theo nhà giàn Phúc Tần, ngày 3/7/1989 nhà giàn Tư Chính (1A) được xây dựng, sau đó là nhà giàn Ba Kè (6A). Từ tháng 6/1989 đến đầu năm 1995, ta đã xây dựng được được những nhà giàn ở các cụm Phúc Tần, Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên trên thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu và Nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau (nay là tỉnh Cà Mau). 

Ngày 5/7/1989,  “Trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ” (tên dân sự của các nhà giàn DK1) chính thức thành lập để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là nơi sống, huấn luyện, học tập, bảo vệ vùng trời, vùng biển của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1. Trước đây tiểu đoàn DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân, nay trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đóng quân trên vùng biển thềm lục địa Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân ra đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thu thập số liệu thủy văn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Nhà giàn DK1 sừng sững hiên ngang trước bạt ngàn sóng gió.

Tự hào người lính nhà giàn

35 năm thành lập nhà giàn DK1, trong niềm tự hào hôm nay, không thể không nhắc đến đau thương mất mát trong quá khứ. Bởi, để có những “pháo đài canh biển” vững chãi như ngày nay, 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, trong đó có 9 người vĩnh viễn nằm lại đại dương.

5 tháng sau ngày xây dựng, nhà giàn đầu tiên mang tên Phúc Tần đã bị cơn lốc đánh sập cuốn xuống biển 9 cán bộ, chiến sĩ; trong đó Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Thiếu úy Lê Đức Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền đã vĩnh viễn ra đi. Tháng 1/1990, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã bị những con sóng lừng lững nhấn chìm tại nhà giàn Tư Chính 1A (Bãi cạn Tư Chính) khi tàu này đang làm nhiệm vụ trực tại đây. Tiếp theo, đêm 12/12/1998, cơn bão Fathes có sức gió mạnh trên cấp 12 tràn vào vùng biển Vũng Tàu, nằm đúng vệt bão quét, nhà giàn Phúc Nguyên 2A đã bị đánh sập khiến 3/9 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, gồm chỉ huy trưởng, Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. Đêm 21/4/2001, tại nhà giàn DK1/16, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm.

Dù nay nhà giàn DK1 được xây dựng hiện đại song giữa biển xa sóng gió vẫn không lường được sự mất mát, hy sinh. Ngày 7/10/2014, Đại úy Dương Văn Bắc, trắc thủ radar nhà giàn DK1/11 đã bị sóng biển cuốn trôi trong lúc kiểm tra vật cản dưới sàn cập tàu. Đêm 3/9/2019, Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tài - nhân viên cơ điện - hy sinh trên nhà giàn DK1/18 do đột quỵ. Mới đây nhất, tháng 12/2023, Đại úy Nguyễn Tài Thi, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 và Đại úy Đỗ Tùng Linh, Chính trị viên tăng cường tàu 202 đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi.

Khó có thể nói hết những hy sinh, mất mát của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 trong suốt hành trình “canh biển, giữ trời” thềm lục địa trong 35 năm qua. Các anh đã “sống kiên cường, chết vinh quang” để xây dựng nên những “pháo đài bất khả xâm phạm” giữa trùng khơi như những dáng đứng Việt Nam hùng cường trên biển. Tự hào về truyền thống, những người lính nhà giàn DK1 hôm nay luôn nỗ lực nêu cao tinh thần cảnh giác, thi đua huấn luyện giỏi, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

“Chúng tôi luôn tự hào về DK1. Những nhà giàn vẫn trụ vững, những chiến sĩ vẫn vững chắc tay súng kiên cường bám biển, khẳng định một chân lý rằng, còn người còn nhà giàn. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ và sứ mệnh thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ DK1 trong thời kỳ mới”, Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên tiểu đoàn DK1 khẳng định.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa có Thư kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.