Multimedia Đọc Báo in

“Luồng điện tháng Tám”

17:03, 27/08/2024

Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời” (Huế tháng Tám - Tố Hữu).

Như chớp giật, như bão dông, như tiếng sét vang rền khắp năm châu. Luồng điện của tinh thần Tổng khởi nghĩa Tháng Tám bất diệt sáng 19/8/1945 ấy từ thủ đô Hà Nội lan ra khắp cả nước, chấn động toàn cầu.

Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chính là luồng điện kích hoạt, soi sáng, là động lực mở ra cao trào cho các dân tộc đứng lên phá tan xiềng xích đô hộ, áp bức trên toàn thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tác động trực tiếp, tạo niềm tin và cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân Lào nổi dậy giành chính quyền vào ngày 12/10/1945, nước Lào tuyên bố độc lập. Tại khu vực Đông Nam Á, liên tiếp các năm 1946, 1948, 1950, 1957, thực dân Âu, Mỹ buộc phải công nhận nền độc lập của Philippines, Miến Điện, Indonesia, Malaysia. Tháng 10/1949, cách mạng giải phóng dân tộc tại Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Tháng 1/1950, cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ thành công.

Luồng điện Cách mạng tháng Tám tiếp tục lan rộng, trở thành động lực và nguồn cổ vũ cho nhân dân châu Phi và Mỹ La-tinh. Lần lượt các năm từ 1952 - 1960, nhân dân Libya, Ai Cập cùng 17 nước châu Phi giành được độc lập. Ngày 1/1/1959, dưới sự lãnh đạo của Phiđen Catxtrô, cách mạng Cu Ba thành công…

***

Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mở ra kỷ nguyên mới vĩ đại bậc nhất của dân tộc ta, đó là kỷ nguyên của độc lập và tự cường, khẳng định uy tín và uy thế chưa từng có của chúng ta trước toàn nhân loại. Năng lượng của “luồng điện tháng Tám” giờ đây chính là năng lượng hòa bình, hòa hợp.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

Thế giới giờ đây ngày càng ấn tượng với tư thế “ngoại giao cây tre” đầy tỉnh táo, và cũng cương cường của chúng ta. Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Ấn Độ tháng 7/2023, Tiến sĩ SD Pradhan - cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cũng là chuyên gia nghiên cứu quốc phòng và lịch sử đã khen ngợi chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Mượn hình tượng cây tre có gốc rễ vững chắc, thân cây chắc chắn và cành cây mềm dẻo để thể hiện chính sách đối ngoại vừa nguyên tắc, vừa linh hoạt, chính là cách mà Việt Nam tận dụng các cơ hội hiện có để bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân, vừa tiếp cận với các vấn đề đối ngoại phức tạp của thế giới để giải quyết một cách hòa bình.

Đây cũng chính là sự kế thừa nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc. Với Việt Nam, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng. Sử gia nổi tiếng người Na Uy Stein Tonnesson – cựu Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO), tác giả cuốn “Việt Nam 1946: Chiến tranh bắt đầu như thế nào?” (Bản tiếng Việt của NXB Chính trị Quốc gia năm 2013) đã dành gần cả cuộc đời nghiên cứu về Cách mạng tháng Tám và chiến tranh Đông Dương. Mãi sau này, ông mới thừa nhận, rằng mình đã sai lầm khi từng cho rằng Việt Nam “có thể tránh được cuộc chiến năm 1946”, và từ đó “sẽ không có cuộc chiến nào ở Việt Nam, kể cả cuộc chiến Đông Dương lần hai (Chiến tranh Việt Nam). Như ông lý giải, “nếu tránh được được cuộc chiến cuối năm 1946, Việt Nam vẫn sẽ vấp phải cuộc chiến, khoảng 10 tháng sau, vào năm 1947. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ chuyện này, về phía Pháp, và đi đến kết luận rằng cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra vào mùa thu 1947”. Để thấy được sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đã nắm bắt được tình thế lịch sử, cũng như nhìn rõ mưu đồ xâm lược đến cùng của các thế lực ngoại xâm.

Cứng cỏi, quyết liệt không khoan nhượng, nhưng luôn dựa trên nền tảng của hòa bình, hòa hợp, như truyền thống ngàn đời “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo”. Học giả Ấn Độ SD Pradhan dẫn chứng, rằng giữa chiến tranh chống Mỹ, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố “Tôi sẽ rất vui mừng được đón tiếp Tổng thống Mỹ nếu ông ấy đến thăm đất nước một cách hòa bình. Chúng tôi mở rộng vòng tay thân thiện với bất kỳ quốc gia nào công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập”.

Ngày 19/11/1950, ngay giữa cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng lập ra Ủy ban Hòa bình Việt Nam do đích thân Bác Hồ là Chủ tịch danh dự đầu tiên.

Trải qua 74 năm hoạt động, như nhìn nhận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc củng cố tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, và kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, bảo vệ công lý, chống chiến tranh xâm lược. Đó là một trong những nhân tố quan trọng giúp chúng ta giành được độc lập, tự do, và cũng bảo vệ, gìn giữ, phát triển nền độc lập ấy với tư duy và tư thế độc lập.

Thế giới đang phức tạp và căng thẳng hơn bao giờ hết, tổng hòa của thiện - ác, đúng - sai, tốt - xấu... Cộng với khoa học công nghệ phát triển đạt đỉnh cao của hiện đại và tinh vi, đến mức không tưởng, lại khiến sinh mệnh của mỗi con người cho đến mỗi quốc gia càng trở nên mong manh. Mỗi con người, mỗi dân tộc đối diện nhiều hơn với sự phụ thuộc, bị áp đặt, bị xâm lược “mềm”. Một quốc gia độc lập và biết cách đủ mạnh mẽ và đủ dung hòa để yên ổn tồn tại phát triển giữa thời đại này không hề dễ dàng. Nhất là vị trí cương thổ, địa chính trị của Việt Nam chúng ta suốt chiều dài lịch sử luôn thu hút sự quan tâm của mọi cường quốc.

Trước đầu sóng ngọn gió luôn rình rập bão tố, dải đất hình chữ S của chúng ta như một rặng tre khổng lồ án ngữ suốt dọc thềm biển Đông. Những cây tre đâu chỉ mềm dẻo chỉ biết la đà uốn cong, mà còn cứng cỏi, thẳng đứng vươn lên; mà còn hàng hàng lớp lớp, là măng non mọc tua tủa, một thân tre ngã xuống càng ken dày thêm hàng ngũ.

Tinh thần Cách mạng tháng Tám, tinh thần độc lập luôn là nguồn năng lượng vĩnh cửu và mạnh mẽ để dân tộc Việt Nam mãi trường tồn!

Trí Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.