Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi mùa thu tháng Tám

17:05, 27/08/2024

Dòng chảy lịch sử cách mạng Đắk Lắk in đậm dấu ấn những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945. Theo thời gian, dấu ấn luôn hiện hữu qua các hình ảnh, hiện vật và những câu chuyện được lưu giữ trang trọng tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh.

Dấu ấn qua những hiện vật lịch sử

Những hình ảnh, hiện vật lịch sử – cách mạng gắn liền với Cách mạng tháng Tám năm 1945 được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk đã phần nào tái hiện lại cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Hiện vật “Ruột tượng” do ông Y Bun Knơng (Ama Khê), dân tộc Êđê là cán bộ hưu trí ở Buôn Ma Thuột giao lại cho Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ là minh chứng cho tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn của quân và dân ta trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn đủ bề. Theo lời ông Ama Khê thì ruột tượng này dùng để làm bao đựng gạo do Xưởng dệt Tây Nguyên dệt may tại hậu cứ miền Tây Phú Yên. Để khắc phục thiếu thốn về quân trang, Xưởng dệt Tây Nguyên đã dệt các vật dụng cần thiết như áo, khố, bao đựng gạo để cấp phát cho cán bộ, chiến sĩ.

Thuyết minh viên Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu với du khách về các hình ảnh liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Đắk Lắk.

Hay hình ảnh về Tiểu đoàn N’Trang Lơng ngày mới thành lập khắc ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Tháng 5/1945, các tổ chức cách mạng ở đồn điền CADA được thành lập, phát triển, tổ chức thành lực lượng xung kích, dưới danh nghĩa bảo vệ đồn điền nhưng thực chất là đội tự vệ có chỉ huy, huấn luyện, giác ngộ chính trị.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, các đội tự vệ cùng công nhân các đồn điền dọc đường số 21 và đường số 8 là lực lượng nòng cốt cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia đấu tranh giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời đã phải đối phó với “giặc dốt”, “giặc đói” và dã tâm quay lại xâm lược của thực dân Pháp.

Ngày 23/9/1945, Tổng bộ Việt Minh quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh do đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng Ban. Ban Quân sự tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang từ tỉnh xuống huyện, xã.

Để đáp ứng yêu cầu trước diễn biến tình hình, sang năm 1946, Tiểu đoàn N’Trang Lơng được sáp nhập vào Trung đoàn 79 thành Trung đoàn 84, sau được lấy tên là Trung đoàn N’Trang Lơng. Đây là trung đoàn địa phương đầu tiên của tỉnh, có nhiệm vụ củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng căn cứ chiến đấu, phát triển dân quân, kết hợp giữa bộ đội tỉnh với dân quân du kích tổ chức đánh phá giao thông, trại lính và đồn điền địch.

Sống mãi với thời gian

Để phát huy giá trị những tư liệu lịch sử quý giá này, thời gian qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử nói chung và thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói riêng, đưa vào bảo quản, trưng bày tại bảo tàng và các cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động tại các địa phương.

Các em học sinh trên địa bàn tỉnh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, hằng năm, đơn vị còn phối hợp với các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử tại bảo tàng và các di tích lịch sử. Mới đây nhất, bảo tàng đã tổ chức chương trình giáo dục và trải nghiệm chủ đề “Những năm tháng lịch sử hào hùng” tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Các học sinh được tìm hiểu về cấu trúc, chế độ khắc nghiệt của nhà tù thực dân đối với tù chính trị, những câu chuyện ý nghĩa về quá trình tu dưỡng, rèn luyện “biến nhà đày thành trường học” của các chiến sĩ cách mạng kiên trung; được trải nghiệm hóa thân thành các chiến sĩ cách mạng tham gia vào cuộc duyệt binh lịch sử diễn ra tại Nhà đày Buôn Ma Thuột dịp Tết Giáp Thân năm 1944…

Những “địa chỉ đỏ” đã được xếp hạng, tu bổ tôn tạo để phát huy giá trị. Như Di tích lịch sử Đồn điền CADA và Di tích lịch sử Miếu thờ CADA tại huyện Krông Pắc đang được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí hơn 11,8 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc thông tin, từ năm 2022 đến nay, tại di tích thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động tham quan, học tập, sinh hoạt chính trị. UBND huyện cũng đã tiếp nhận hàng trăm hiện vật và cây xanh do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiến tặng. Huyện cũng đã thành lập Tổ quản lý Di tích CADA, bố trí hướng dẫn viên nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử - văn hóa tại di tích.

Hình ảnh về ông Nguyễn Tâm Thu, nhân chứng lịch sử, nguyên Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Dân quân tự vệ của chính quyền cách mạnh và bộ máy quản lý mới của công nhân Đồn điền CADA năm 1945 được trưng bày tại Di tích lịch sử Đồn điền CADA.

Những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật, những “địa chỉ đỏ” ghi dấu về Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Đắk Lắk được lưu giữ, trưng bày, bảo tồn, phát huy không chỉ góp phần “soi sáng” lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk đối với các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, từ đó thêm tự hào về truyền thống, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.