Multimedia Đọc Báo in

Chuyện "măng" và "tre" ở chi bộ (kỳ 2)

08:06, 24/09/2024

Kỳ 2: "Làn gió mới" từ trẻ hóa

Thời gian gần đây, nhiều người trẻ thuộc thế hệ 9X đã trở thành những người “đứng mũi, chịu sào” ở thôn, buôn, tổ dân phố. Từ đó, thổi luồng sinh khí mới cho chi bộ, địa phương bằng những cách làm mới, năng động, hiệu quả.

Những "búp măng" ở chi bộ

Chị Võ Thị Thùy Trang (SN 1992) – Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) là một trong những bí thư chi bộ trẻ tiêu biểu tại địa phương. Tốt nghiệp đại học ngành Luật và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh hơn bốn năm, chị trở về quê để phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Tích cực tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương, là bí thư chi đoàn gương mẫu, trách nhiệm, năm 2022, chị Trang được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn 3.

Tuổi đời và tuổi Đảng còn trẻ, lại lần đầu tham gia cấp ủy, giữ chức vụ bí thư chi bộ, chị Trang gặp không ít khó khăn trong tiếp cận, triển khai các chương trình, hoạt động, nên một số quần chúng nhân dân chưa "phục". Chính vì thế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị vừa học hỏi kinh nghiệm người đi trước, vừa lắng nghe ý kiến đóng góp của đảng viên trong chi bộ.

Với sự năng động, nhiệt huyết, chị H Yen Hmok (giữa), Bí thư Chi bộ buôn Mblơt (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) góp phần tích cực phát triển địa phương.

“Chi bộ thôn 3 hiện có 24 đảng viên, trong đó trên 60% là đảng viên trẻ; cấp ủy chi bộ có 3 đồng chí, trong đó có 2 đồng chí tuổi đời dưới 40. Để chi bộ vững mạnh, trước hết cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả đảng viên. Khi có những chương trình, kế hoạch của cấp ủy cấp trên, chi ủy liền tổ chức họp trước, sau đó đưa ra chi bộ thảo luận, thông qua các nội dung công việc cụ thể để triển khai. Trong công tác nhân sự của ban tự quản, chi bộ cũng đề cử, lựa chọn những người có tâm, có trách nhiệm để tăng cường niềm tin của nhân dân", chị Trang chia sẻ.

Địa bàn thôn 3 giáp ranh với thị trấn Quảng Phú, xã Quảng Hiệp và xã Ea M’nang, có điều kiện thuận lợi trong giao thương. Tận dụng lợi thế này, chi bộ thường xuyên quán triệt với ban tự quản tạo môi trường tốt nhất cho người dân trên địa bàn và các tiểu thương về kinh doanh, buôn bán.

Bên cạnh đó, chi bộ thực hiện phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào nên nhân dân luôn đồng lòng, ủng hộ. Đơn cử như trong việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới, chị Trang đã cùng tập thể cấp ủy, ban tự quản thôn vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, tạo điều kiện thi công thuận lợi. Nhờ vậy, đến nay bốn trục đường chính của thôn đều đã được bê tông hóa, có đường điện thắp sáng và đường cờ Tổ quốc.

 

“Để chi bộ vững mạnh, người đứng đầu chi bộ phải thể hiện năng lực qua hành động cụ thể, luôn hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm để mang lại lợi ích chung cho tập thể” - Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) Võ Thị Thùy Trang.

Ở tuổi 32, chị  H Yen Hmok đã có hai nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ buôn Mblơt (xã Ea Bông, huyện Krông Ana). Ngày đầu mới được giao nhiệm vụ làm bí thư chi bộ, chị H Yen cảm thấy rất áp lực bởi chưa có kinh nghiệm, trong khi chi bộ có nhiều đảng viên lớn tuổi. Chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu về công tác đảng, học hỏi từ những người đi trước để bắt nhịp với công việc.

Song song với trực tiếp gặp gỡ, họp bàn, hội ý, chị H Yen tham mưu cấp ủy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, triển khai nhiệm vụ chính trị. Chị đã lập nhóm Zalo của chi ủy, chi bộ để trong những trường hợp cần thiết có thể thông báo các nội dung và trao đổi công việc qua nhóm. Từ đó tạo sự đoàn kết, thấu hiểu trong đảng viên và giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả.

Là người trẻ, chị H Yen cũng thường xuyên tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, qua đó kịp thời phát hiện và giới thiệu quần chúng ưu tú cho chi bộ xem xét tạo nguồn phát triển đảng viên. Nhờ vậy, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hằng năm của chi bộ đều đạt kế hoạch đề ra.

“Người dân ở đây đã thay đổi thói quen canh tác, ngoài việc đưa vào trồng một số giống lúa mới thì các vườn cà phê cũng được trồng xen thêm một số loại cây ăn quả để tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Buôn Mblơt có 378 hộ, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ chỉ còn 7 hộ nghèo. Các hương ước, quy ước xây dựng nếp sống mới, khu dân cư kiểu mẫu được người dân trong buôn đồng lòng hưởng ứng và tích cực tham gia xây dựng”, chị H Yen cho hay.

Dấu ấn trong xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở

Tại huyện Krông Ana, đội ngũ cấp ủy chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố nhiệm kỳ 2022 – 2025 có chuyển biến tích cực về chất lượng, cơ cấu. Cụ thể, đầu nhiệm kỳ có 79 đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy chi bộ thôn (chiếm tỷ lệ 33,9%), trong đó có 13 đồng chí dưới 40 tuổi; 27 đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy chi bộ buôn (11,6%), trong đó có 15 đồng chí dưới 40 tuổi; 6 đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy chi bộ tổ dân phố (2,6%), trong đó có 4 đồng chí dưới 40 tuổi. Về độ tuổi trong cấp ủy, dưới 40 tuổi có 63 đồng chí. Về độ tuổi bí thư, dưới 40 tuổi có 12 đồng chí (chiếm 16,7%).

Theo đánh giá của địa phương, các đồng chí trẻ tuổi có ưu điểm nổi bật là sự năng động, tích cực, nhiệt tình trong tham gia hoạt động của chi bộ và của địa phương. Tuy nhiên, do lần đầu tham gia cấp ủy nên chưa có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, khả năng truyền đạt, kỹ năng điều hành, tổ chức các hoạt động của chi bộ có mặt còn hạn chế.

Nhờ cách làm hay của những cán bộ trẻ, diện mạo nông thôn mới ở xã Cư M'gar (huyện Cư M'gar) đang ngày càng khang trang.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy Cư M’gar, hiện nay toàn huyện có 182/522 đảng viên dưới 40 tuổi ở trong cấp ủy (chiếm 34%); 37/162 bí thư chi bộ dưới 40 tuổi (chiếm 22%); 64/167 phó bí thư chi bộ dưới 40 tuổi (chiếm 34%). Hoạt động của các cấp ủy, chi bộ cũng đã có những chuyển biến tích cực. Đây là kết quả của việc cấp ủy, chi bộ đã mạnh dạn cơ cấu và giới thiệu cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư và chi ủy viên.

Các đảng viên trẻ đã mạnh dạn đề xuất thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới như áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu, học tập, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và triển khai những nhiệm vụ khác như hội họp, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề phát sinh tại địa phương. Bên cạnh đó, đội ngũ đảng viên trẻ cũng đã có những cách làm mới mẻ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc sinh hoạt chi bộ đạt hiệu quả, bảo đảm theo quy định của Điều lệ Đảng; quan tâm, giúp đỡ công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên của chi bộ.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn cán bộ trẻ tại các thôn, buôn cũng gặp nhiều hạn chế như: năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện... Cùng với đó, lực lượng lao động trẻ chủ yếu công tác và làm việc ở những thành phố lớn nên khó khăn trong việc phát triển đảng viên trẻ ở các thôn, buôn, tổ dân phố.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) Trần Thị Hải Yến chia sẻ, đội ngũ bí thư, cấp ủy trẻ có phong cách làm việc nhạy bén, trách nhiệm cao, luôn nêu cao tinh thần tiên phong, đặc biệt đi đầu trong áp dụng công nghệ 4.0 vào công tác, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Từ đội ngũ này, cấp ủy, chính quyền có thêm nguồn cán bộ kế cận thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Thêm sức bật cho chi bộ

Minh Thông – Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.