Multimedia Đọc Báo in

“Đòn bẩy” từ những nghị quyết đúng, trúng (kỳ cuối)

07:09, 18/09/2024

Chăm lo cho dân bằng những quyết sách, chủ trương sát thực đã giúp các cấp ủy tạo dựng niềm tin với nhân dân. Đảng vì dân, dân tin Đảng, nhân dân không chỉ được hỗ trợ, tạo sinh kế mà còn tự giác, tự nguyện góp của, góp công vì những mục tiêu chung.

Kỳ cuối: "Khơi" nguồn nội lực từ sức dân

Cái hay của những nghị quyết hợp lòng dân đã “khơi” được sức dân tự vươn lên, đoàn kết giúp nhau bằng nội lực và mở đường cho nhiều chương trình xã hội hóa các hoạt động an sinh.

Liên kết cùng nhau thoát nghèo

Trong thời gian hoàn thành những khâu cuối để kịp bàn giao căn nhà cấp 4 cho hộ dân trong buôn, các thành viên của Tổ hợp tác xây dựng buôn Cuê, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) lại tranh thủ khởi công xây nhà cho một gia đình khác. Cách làm “gối đầu” này giúp các thành viên trong tổ luôn có việc làm, bảo đảm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Chỉ tay về phía chiếc cối trộn bê tông đang hoạt động hết công suất, anh Y Lidi Byă, Tổ trưởng Tổ hợp tác xây dựng buôn Cuê cho hay, nhờ có Nghị quyết 07 của Huyện ủy Krông Ana mà tổ đã làm được nhiều công trình “chìa khóa trao tay” cho bà con.

Tổ hợp tác xây dựng buôn Cuê, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) hoạt động ngày càng hiệu quả khi được hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị theo chủ trương của Nghị quyết 07.

Thời điểm năm 2016, anh Y Lidi cùng nhiều thanh niên khác trong buôn đã tham gia lớp sơ cấp nghề xây dựng dân dụng theo chương trình đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, do không có vốn và kinh nghiệm, anh chỉ đi làm phụ tại các công trình xây dựng. Sau vài năm, anh đứng ra tập hợp thanh niên có nghề trong buôn cùng thành lập tổ xây dựng để nhận làm các công trình nhỏ nhưng các máy móc, thiết bị đều phải thuê mướn.

Sau khi có Nghị quyết 07, được các cấp, ngành, địa phương hướng dẫn, anh Y Lidi thành lập Tổ hợp tác xây dựng buôn Cuê gồm 10 người, làm cơ sở xin hỗ trợ máy móc. Năm 2021, tổ được cấp 10 bộ giàn giáo, 2 xe rùa, 1 cối trộn bê tông và 2 xe càng từ nguồn ngân sách của huyện Krông Ana theo Nghị quyết 07.

Để phát huy hiệu quả số máy móc, thiết bị đã được hỗ trợ, thay vì thụ động ngồi chờ việc, anh Y Lidi tận dụng mạng xã hội, hướng dẫn thành viên trong tổ đăng thông tin giới thiệu hoạt động, các công trình đã hoàn thiện để bà con biết và tìm đến tổ. Mỗi một công trình dù chỉ là sân, tường rào hay nhà vệ sinh, tổ đều đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu nên đã dần tạo được uy tín. Tổ cũng chủ động đề xuất và tham gia các lớp nâng cao tay nghề về điện dân dụng, hàn xì do Phòng Dân tộc huyện Krông Ana tổ chức theo chủ trương của Nghị quyết 07.

 

“Nghị quyết 02 đã “khơi” được tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực, tài trợ các trang thiết bị dạy học hoặc hiến đất, hỗ trợ tiền xây dựng điểm trường, phòng học, giúp học sinh trên địa bàn huyện Ea Kar có môi trường học tập tốt hơn” - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ea Kar  Y Nhuân Byă

Nhờ vậy, các thành viên trong tổ đã thành thạo mọi công đoạn, không cần hợp đồng với nhân công ngoài. Tiếng lành đồn xa, Tổ hợp tác xây dựng buôn Cuê ngày càng bận rộn hơn, mua sắm thêm nhiều máy móc, thiết bị, không chỉ xây nhà cho bà con trong buôn mà nhận thầu được nhiều công trình ở các địa phương khác.

Nhờ vậy, mỗi thành viên trong tổ có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, nhiều người đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các phương tiện phục vụ sinh hoạt. “Đảng, Nhà nước, địa phương giúp mình rồi thì giờ mình phải biết liên kết lại để cùng giúp nhau thoát nghèo. Đó là chiếc “cần câu” bền vững nhất”, anh Y Lidi chia sẻ.

Hiến đất, góp sức xây dựng trường lớp

Trước đây, hơn 50 học sinh mầm non ở thôn 5 (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) phải học nhờ ở hội trường thôn chật chội, nóng bức, không có nhà vệ sinh khép kín, không có nước sinh hoạt, phải nhờ nhà dân.

Một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để xây dựng điểm trường này nhưng Ban giám hiệu nhà trường không thể nhận vì chưa có quỹ đất.

Chứng kiến cảnh các em vất vả do thiếu phòng học, vợ chồng thầy Mai Xuân Dũng, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) đã tự nguyện hiến trên 480 m2 đất để xây điểm trường. Nhờ vậy, điểm trường Trường Mầm non Hoa Phượng mới khang trang, sạch đẹp, có đầy đủ công trình vệ sinh, nước sạch đã được xây dựng ngay gần nhà thầy Dũng tại thôn 5 (xã Ea Păl).

Có điểm trường mới nhưng đường đi vào rất nhỏ hẹp, trơn trượt, lại thêm bụi tre lớn che khuất tầm nhìn đã bao năm nay chưa giải phóng được. Vợ chồng thầy Dũng đã xin chủ trương của thôn, rồi “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân bỏ công chặt tre. Chặt một cây về dùng, người dân góp 10 nghìn đồng để làm đường. Số tiền thiếu, thầy Dũng kêu gọi thêm một số cá nhân ủng hộ, gia đình thầy góp thêm 600 nghìn đồng mua vật liệu. Những hộ không có điều kiện đóng tiền thì góp công. Sự chung sức, đồng lòng của một xóm dân cư vùng khó đã góp phần tạo nên con đường sạch đẹp, thông thoáng, đi vào điểm trường thuận lợi hơn.

Thư viện của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) được xây dựng từ nguồn kinh phí tài trợ.

Có điểm trường mới nhưng sân chơi chưa có mái che, các em không thể vui chơi, tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thầy Dũng lại bàn bạc với Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh của điểm trường vận động phụ huynh và các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn đóng góp được gần 15 triệu đồng làm mái che. Hai vợ chồng thầy đều là nhà giáo, gắn bó với nghề hơn 16 năm, bản thân thầy Dũng từng giảng dạy ở địa bàn vùng 3 nên càng thấu hiểu và đồng thuận với chủ trương xã hội giáo dục.

Chỉ sau 5 năm thành lập, Trường Mầm non Thanh Bình ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) đã thực sự “lột xác” nhờ chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục theo Nghị quyết số 02 của Huyện ủy Ea Kar.

Đứng chân trên địa bàn thôn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã gần 10 km, lúc mới “khai sinh” năm 2017, cơ sở vật chất của trường rất tạm bợ, chỉ có 4 phòng học, phải mượn tạm hội trường thôn Thanh Bình để dạy học. Chia sẻ khó khăn với cô và trò nhà trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea Kar đã hỗ trợ 120 triệu đồng, đồng thời vận động chùa Hoa Nghiêm (huyện Cư M’gar) và một công ty ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ thêm 120 triệu đồng để xây dựng 2 phòng học cho trường. Hoạt động xã hội hóa giáo dục của MTTQ huyện Ea Kar đã lan tỏa và nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương, đoàn viên thanh niên, các nhà hảo tâm chung tay đóng góp, hỗ trợ xây dựng thêm sân chơi, công trình vệ sinh, trao tặng bàn ghế mới, bình ủ nước cho nhà trường.

Cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách để xây dựng thêm 6 phòng học, Ban giám hiệu nhà trường còn vận động giáo viên, phụ huynh đóng góp ngày công làm vườn rau sạch, đồ dùng, đồ chơi từ các vật liệu sẵn có; sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí do phụ huynh đóng góp mua ti vi trang bị cho các lớp.

Toàn huyện Ea Kar có trên 60 trường học được đầu tư từ chủ trương xã hội giáo dục. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02, huyện Ea Kar đã huy động và tiếp nhận tài trợ trên 29 tỷ đồng, cùng với nguồn ngân sách huyện để xây mới 130 phòng học, 11 bể bơi, xây dựng hàng nghìn mét vuông sân trường, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… Nhờ vậy, chỉ tiêu xây dựng phòng học kiên cố, mua sắm trang thiết bị dạy học, điều kiện phục vụ hoạt động giáo dục trải nghiệm, kỹ năng sống, trường học đạt chuẩn quốc gia đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết 02 đề ra.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc