Multimedia Đọc Báo in

Giữ gốc rễ sâu bền của Tây Nguyên (kỳ 3)

08:18, 26/09/2024

Kỳ 3: Yên ấm những buôn làng

Từ vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, những buôn làng của Tây Nguyên hôm nay đã khoác lên mình những sắc màu tươi mới. Đó là hành trình của những tháng năm vượt qua bao gian khó của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc từng chia nhau hạt muối, củ khoai cùng nhau đánh giặc, giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước, quét sạch bóng FULRO, chung sức xây dựng, gìn giữ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho buôn làng.

Sự yên ấm của những buôn làng được hiển thị rõ qua cuộc sống bình yên, ổn định, sự đồng hành của chính quyền, sự tương trợ, cùng chung sức xây dựng, phát triển kinh tế.

Sống phúc âm trong lòng dân tộc

Trong căn nhà khang trang, Siu Un (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) bộc bạch: “Cái đầu mình khỏe thì cái người mình tự nhiên nó trẻ ra!”. “Khỏe cái đầu” là do ông được cấp ủy, chính quyền địa phương "khai thông" tư tưởng và đã trở thành hạt nhân tích cực vận động những gia đình khác trở về với tôn giáo truyền thống.

Từ chính va vấp của bản thân, Siu Un kiên trì, giải thích cho bà con hiểu rõ để không bị các đối tượng phản động lưu vong ở Mỹ, Campuchia, Thái Lan… liên lạc qua Facebook, Zalo lôi kéo.

Siu Un còn đề nghị thành lập điểm nhóm sinh hoạt Tin lành truyền giáo Cơ Đốc tại xã Ia Ake để tạo điều kiện cho giáo dân sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Đến nay, điểm nhóm đã có hơn 300 tín đồ, sinh hoạt đúng đức tin tôn giáo.

Bản thân Siu Un cũng được cử đi học các lớp truyền đạo để trở thành trưởng điểm nhóm; được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ông Siu Un ở xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai (ngồi giữa) chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đồng chí Vũ Hồng Duy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện cho biết, Phú Thiện được xem là “cái rốn” của hoạt động Tin lành Đêga. Qua quá trình đấu tranh, bóc gỡ của các cơ quan chức năng, bộ khung Tin lành Đêga trước đây đã bị phá rã nhưng cơ sở xã hội của chúng vẫn còn rải rác ở khắp 31 làng của 8/11 xã, thị trấn trên địa bàn, núp bóng dưới hình thức “tu tại gia”.

Qua tìm hiểu, phân tích, Ban Thường vụ Huyện ủy nhận định vẫn còn những đối tượng ngoan cố với chiếc “bánh vẽ” của các thế lực bên ngoài nhưng cũng có nhiều bà con chỉ theo vì nhu cầu tín ngưỡng thuần túy, không có ý thức hoặc ý thức không đầy đủ về hoạt động FULRO và Tin lành Đêga. Chính vì thế, nhiệm vụ đặt ra là phải đưa họ trở về sinh hoạt đúng với tôn giáo thuần túy tại các điểm nhóm được nhà nước công nhận.

Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện đã chỉ đạo thực hiện thí điểm tại xã Ia Ake để đánh giá bước đầu rồi thành lập Ban Chỉ đạo mô hình “Trở về đức tin - Giữ bình yên thôn, làng” ở cấp huyện, cấp xã với nhiệm vụ quan trọng nhất là vận động, quản lý, giúp đỡ “những người có niềm tin tôn giáo, tham gia hoạt động tôn giáo hợp pháp”.

Công tác vận động phải tiến hành tuần tự từng bước, không nóng vội, dễ trước - khó sau, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc tôn giáo. Mặt khác, các địa phương cũng thực hiện khảo sát từng người, từng hộ về nhu cầu tín ngưỡng và phân loại thành bốn nhóm: tự giác quay về, được vận động sẽ quay về, lưng chừng và chống đối.

Nhờ gỡ được tâm lý mặc cảm, tự ti của những người từng từ bỏ “chính đạo” để theo “tà đạo”, hai năm qua, mô hình đã vận động 108 hộ với 478 người quay về sinh hoạt Tin lành; 14 hộ và 42 khẩu từ bỏ, không theo tôn giáo nào; đang tiếp tục vận động 213 hộ với 758 khẩu từ bỏ “tu tại gia”. Trong số 8/11 xã, thị trấn có hoạt động "tu tại gia", đến nay đã có xã Ia Yeng hoàn thành công tác vận động. Nhờ hiệu quả của mô hình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những buôn làng từng là “điểm nóng” được giữ ổn định, người dân yên tâm lao động sản xuất.

Giải "bài toán" việc làm cho đồng bào

Hơn một năm làm việc tại Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang - Đắk Nông với mức lương 8 triệu đồng/tháng, Y Đương Êban (buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn nhớ câu hỏi của Thượng tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút khi về nắm tình hình thanh niên ở buôn: “Cháu có muốn đi làm trong công ty không?”.

Câu hỏi trúng tâm tư của chàng trai trẻ, cậu rụt rè chia sẻ rằng muốn đi lắm nhưng còn ngại, còn sợ… Bằng giọng quả quyết, Thượng tá Hữu khẳng định: “Muốn làm công ty thì gửi hồ sơ, chú xin việc cho!”.

Thế là, chỉ ít lâu sau cuộc trò chuyện ấy, Y Đương đã chính thức có việc làm, có thu nhập ổn định hằng tháng, được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi của công ty. Nhờ nhanh nhẹn, thật thà, Y Đương cũng được công ty điều chuyển từ bộ phận sản xuất sang lái xe và làm trợ lý cho giám đốc công ty với nhiều cơ hội học hỏi, phát triển bản thân hơn trước.

Thượng tá Nguyễn Trung Hữu (đứng giữa) thăm hỏi công nhân, lao động người DTTS đang làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất Đức Giang – Đắk Nông.

Y Đương chỉ là một trong số hơn 200 lao động đã có công việc và thu nhập ổn định nhờ mô hình “Giới thiệu việc làm cho đồng bào DTTS” của Công an huyện Cư Jút trong gần hai năm qua. Thượng tá Nguyễn Trung Hữu, tác giả của mô hình chia sẻ, với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với các bon làng ở Đắk Nông, 16 năm làm trinh sát an ninh, anh nhận thấy hầu hết bà con DTTS tại chỗ đều rất chịu thương, chịu khó, siêng năng, thật thà. Tuy nhiên, phong tục, nhận thức, trình độ cùng lối canh tác nông nghiệp truyền thống khiến họ khó phát triển kinh tế, tự ti, dễ bị lôi kéo, kích động. “Việc làm” chính là chìa khóa để bà con ổn định đời sống, ổn định tư tưởng, đặc biệt là đối với thanh niên vùng DTTS.

Qua khảo sát tình hình ở các buôn, đặc biệt là tại xã Tâm Thắng, nơi có một số buôn làng từng là "điểm nóng" của hoạt động FULRO, anh Hữu nhận thấy mặc dù trên địa bàn có Khu công nghiệp Tâm Thắng với rất nhiều doanh nghiệp cần lao động nhưng số lượng lao động là người tại chỗ rất ít. Doanh nghiệp ngần ngại tuyển lao động DTTS, trong khi nhiều thanh niên ở đây lại phải đi làm ăn xa, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn.

 

“Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là vùng có nhiều dân tộc cùng sinh sống, với bản sắc văn hóa đa dạng. Trong đó, Đắk Lắk là địa bàn có đông dân tộc cư trú với 49 dân tộc anh em. Bộ mặt kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS ở Đắk Lắk đã có những bước chuyển mình, đang từng bước thu hẹp dần khoảng cách phát triển về mọi mặt. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tiếp tục được phát huy và lưu giữ. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, khối đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau ngày càng được củng cố vững chắc” – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.

Qua khảo sát, Thượng tá Nguyễn Trung Hữu đã lựa chọn một số thanh niên DTTS đã tốt nghiệp THPT hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhưng còn thiếu việc làm ổn định để đứng ra bảo lãnh, xin việc cho họ tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đại diện Công an huyện, anh vừa phải ký cam kết với doanh nghiệp về chất lượng lao động, vừa phải làm tốt công tác dân vận để thanh niên vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ, nhanh chóng thích nghi với tác phong công nghiệp.

Những tuần làm việc đầu tiên của các thanh niên, anh còn nhắn tin động viên, nhắc nhở mỗi buổi sáng sớm, hỏi thăm tình hình vào mỗi cuối ngày. Thấy được sự quan tâm của “chú Hữu”, những thanh niên đầu tiên của mô hình đã tích cực làm việc, tuân thủ tốt nội quy lao động của doanh nghiệp.

Khi các em, các cháu nhận tháng lương đầu tiên, “chú Hữu” cũng là người nhắc nhở, hướng dẫn cách chi tiêu số tiền này sao cho hợp lý để vừa phụ giúp được gia đình, vừa tích lũy cho những dự định lớn hơn của bản thân, có động lực để gắn bó với công việc lâu dài.

Chính từ thay đổi đời sống của những lao động đầu tiên được kết nối việc làm, Công an huyện Cư Jút đã nhân rộng mô hình, kết nối việc làm cho cả các đối tượng từng theo FULRO, người chấp hành xong án phạt tù…

Có việc làm, nhiều con em ở buôn Nui, buôn Buôr, buôn Ea Pô của xã Tâm Thắng rủ nhau trở về quê hương lập nghiệp, xây dựng đời sống. Cũng nhờ đó, lực lượng công an đã xây dựng được thêm “tai”, “mắt” cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn bình yên, ổn định cho các buôn làng.

“Biệt khu thủ đô Buôn Ma Thuột” ngày ấy, bây giờ

Đến TP. Buôn Ma Thuột hôm nay, ít ai biết tại đây có một vùng đất từng là căn cứ chỉ huy FULRO “Biệt khu thủ đô Buôn Ma Thuột”, đó là xã Cư Êbur(*).

Hơn 50 năm trước, Cư Êbur chỉ có những buôn làng tách biệt giữa bốn bề rừng núi, nơi náu mình của nhiều đối tượng thuộc Trung ương FULRO ở Đắk Lắk và cũng là nơi xảy ra nhiều vụ FULRO thảm sát đồng bào vô tội. Chỉ đến khi FULRO bị phá rã hoàn toàn ở Tây Nguyên, người dân bốn buôn đồng bào DTTS ở Cư Êbur là Ea Bông, Dhă Prông, Kdun và Đung mới lấy lại được nhịp sống bình yên, chăm lo phát triển kinh tế.

Hơn ai hết, Y Phim Êban, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư Êbur cảm nhận rõ nét đổi thay của buôn mình, xã mình trong chặng đường đổi mới. Từ chỗ đói ăn, thiếu mặc, canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, bà con đã ổn định cuộc sống theo chính sách định canh định cư, mở mang cách thức sản xuất mới cho đến cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật.

Ngoài các loại cây trồng chủ lực như cà phê, rau xanh, thanh long và chăn nuôi gia súc lớn, người dân Cư Êbur còn phát triển nhiều loại hình dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đã đạt 57 triệu đồng/năm. Y Phim hồ hởi khoe: “Cư Êbur đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 và đang được tỉnh xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột đang được tỉnh xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nếu như trước đây, Cư Êbur là một trong những địa bàn “trắng” đảng viên ở cả bốn buôn đồng bào DTTS thì nay, cả bốn buôn đều có cấp ủy, chi bộ chỉ đạo, lãnh đạo về mọi mặt với kết quả xếp loại hằng năm luôn giữ vững thành tích hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Con em ở các buôn làng đều được động viên, tạo điều kiện học hành, phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Đơn cử như chính Y Phim - anh lớn trong gia đình có đến mười người con. Dù ham học và học giỏi thì Y Phim cũng phải nghỉ học từ năm lớp 10 để trở thành trụ cột gia đình, nuôi các em ăn học. Với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, Y Phim hăng hái tham gia các hoạt động đoàn ở buôn làng, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã rồi được cử đi học bổ túc văn hóa, học đại học và lý luận chính trị. 32 tuổi, Y Phim vào Đảng và trúng cử đại biểu HĐND cấp xã và cấp thành phố, được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã; 39 tuổi, Y Phim làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, là lớp cán bộ DTTS trẻ, năng nổ được Đảng và người dân buôn làng tin cậy, đặt nhiều kỳ vọng.

(*) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 - 2020, trang 373

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Nhân lên sức mạnh cội nguồn

Lê Hương - Đinh Nga - Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.