Multimedia Đọc Báo in

Giữ vững “hạt nhân” ở cơ sở (kỳ 2)

08:35, 27/09/2024

Kỳ 2: Chung một chữ “đồng”

Trước những “cơn bão làng”, sức mạnh để các buôn làng vượt qua, tiếp tục củng cố và dựng xây, phát triển chính là chữ “đồng”. Đó là sự đồng lòng, đồng sức quyết tâm, đoàn kết một lòng của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thực hiện theo “kim chỉ nam” là những chủ trương, chính sách phù hợp.

Buôn làng bình yên, đói nghèo, hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi… là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân từng thôn, buôn trên địa bàn tỉnh trong suốt nhiều năm qua.

Từ nhiều không đến… nhiều có

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Trưởng Khối Dân vận xã Cư Pui (huyện Krông Bông) Nguyễn Văn Toàn dẫn chúng tôi đi tìm hiểu cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất của các thôn người H'Mông trên địa bàn xã.

Như lời chia sẻ của ông Toàn, từ xuất phát điểm “nhiều không” (không nhà, không đường, không trường, không trạm, không đất sản xuất…), những đồng bào H'Mông di cư vào xã Cư Pui đã được Nhà nước hỗ trợ với các chính sách như: ổn định dân di cư tự do, giảm nghèo. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, buôn đã vào cuộc quyết liệt để đồng hành với người dân ổn định cuộc sống.

Nhiều hộ dân ở thôn Cư Tê, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có thu nhập ổn định từ trồng keo.

Xác định an cư để lạc nghiệp, tỉnh đã triển khai các dự án ổn định dân di cư tự do với đầy đủ kết cấu hạ tầng từ đường sá, cầu cống, điện chiếu sáng đến các điểm trường để trẻ đi học. Chính quyền xã, huyện đã “đi từng vùng, gõ từng nhà”, kiên trì vận động đồng bào H'Mông ở trong rừng ra định cư tại thôn Ea Lang (nay là các thôn Ea Lang, Cư Tê, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang).

Tính đến nay, Nhà nước đã đầu tư hơn 279 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án ổn định dân di cư tự do tại xã Cư Pui, xã Hòa Phong, xã Cư Drăm. Từ chính sách này, hiện 2.618 hộ với 14.345 khẩu là đồng bào H'Mông ở huyện vùng sâu Krông Bông, trong đó có xã Cư Pui được an cư.

 

“Từ chủ trương của Đảng, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình hình an ninh chính trị, đời sống vật chất, tinh thần cũng như trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào các dân tộc không ngừng nâng lên. Quan trọng hơn cả là tư duy, nhận thức thay đổi đã giúp người dân có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn” - Bí thư Huyện ủy Krông Búk Nguyễn Hải Đông.

Sau khi giải quyết được vấn đề an cư, chính quyền lại thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế và đồng hành với người dân phát triển kinh tế. Từ trồng lúa rẫy, năng suất, chất lượng thấp, người dân được “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cách thức làm lúa nước với năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, để thay đổi nhận thức và tư duy làm nông nghiệp, các ngành chức năng, cán bộ cơ sở đã vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi các loại cây nông sản ngắn ngày sang trồng các loại cây cho thu nhập cao hơn như: cà phê, dứa và trồng rừng…

Ông Y Kok M’drang, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui tự hào, có kết quả như ngày hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đối với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Nghị quyết số 04-NQ/HU của Đảng bộ huyện Krông Bông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong tư tưởng, nhận thức của người dân. Việc triển khai Nghị quyết số 04 không chỉ giúp các thôn đồng bào H'Mông phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn hình thành được một số vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện.

Đưa “ánh sáng” văn minh vào buôn làng

Để xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, cấp ủy, chính quyền huyện Krông Búk xác định vấn đề cốt lõi là nâng cao nhận thức của người dân. Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, tất cả các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện đều tham gia xây dựng đời sống văn hóa, thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào.

Là người uy tín, có nhiều đóng góp cho địa phương, ông Y Krú Ayun ở xã Cư Né luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan để đời sống người dân bớt khổ. Chọn cách tuyên truyền, lý giải bằng những câu chuyện thực tế để bà con dễ hiểu, lần đầu không nghe, ông đến tiếp lần hai, lần ba. Trong các dịp lễ, tết gặp mặt đông đủ người dân, ông cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền. Ông Y Krú cho biết, cứ kiên trì như vậy, năm này qua năm khác, nhận thức của nhân dân trong vùng được nâng cao, việc tổ chức cưới, tang, bỏ mả được rút ngắn chỉ còn hơn hai ngày. Có bác sĩ chăm sóc sức khỏe, khi ốm đau, bà con không còn giao tính mạng cho các thầy cúng.

Lãnh đạo xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) thăm hỏi tình hình phát triển kinh tế của bà con buôn Tiêu.

Khi những hủ tục dần được xóa bỏ, thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng là lúc ánh sáng văn minh, hiện đại hiện hữu trên từng buôn làng, gia đình. Từ một buôn khó khăn có nhiều hủ tục, năm 2023, buôn Cư Blang (thị trấn Pơng Drang) đã phát triển lên tổ dân phố với thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 40 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhiều người trong tổ dân phố Cư Blang đã trở thành cán bộ xã, huyện.

Cùng với xóa bỏ hủ tục, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống đồng bào Êđê tiếp tục được bảo tồn, phát huy. Nhiều lớp dạy đánh chiêng, múa hát được tổ chức, các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, hỗ trợ trang phục, đạo cụ cho đội văn nghệ và số nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, biết chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ ngày càng nhiều. Đồng bào các buôn không thờ ơ mà quan tâm lưu giữ nhà dài, chiêng Knah… Toàn huyện Krông Búk hiện có 92/97 thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; hơn 14.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Buôn làng ngày mới

Xuân Lan – Chuyên Quỳnh


Ý kiến bạn đọc