Multimedia Đọc Báo in

Giữ vững “hạt nhân” ở cơ sở (kỳ 3)

05:33, 29/09/2024

Kỳ 3: Buôn làng ngày mới

Chung một chữ “đồng” đã tạo sức mạnh để các buôn làng ngày càng vững vàng trên các mặt trận. Minh chứng rõ nét là an ninh chính trị cơ sở cơ bản được giữ vững, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được thực hiện có hiệu quả.

Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng dần hoàn chỉnh, đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ 23,08% (năm 2021) xuống còn 19,7% (cuối năm 2023).

Đồng bào Êđê ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống.

Đoàn kết bền chặt, gìn giữ văn hóa cha ông

 “Bà con mình nghe cán bộ, nghe già làng, người có uy tín chứ không nghe lời kẻ xấu. Đảng, Bác Hồ cho người dân độc lập, tự do, có cơm ăn, áo mặc. Những kẻ chống đối không thể mua chuộc được đồng bào mình, không thể chia rẽ khối đại đoàn kết bền chặt giữa các dân tộc anh em”, những lời gan ruột của ông Y Thiu - người có uy tín tại buôn Tiêu, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã nói lên suy nghĩ của bao đồng bào ở các buôn làng.

Còn ở Ea Kar, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Y Thim Mlô cho biết, từ năm 2004, các cơ quan, đơn vị, trường học của tỉnh và huyện đã kết nghĩa với 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của thị trấn Ea Kar, cử cán bộ về “bốn cùng” với bà con, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ cây, con giống giúp hộ nghèo phát triển kinh tế. Năm 2012, Đảng ủy thị trấn Ea Kar đã chọn buôn Mrông C và buôn Tlung làm điểm để thành lập tổ dân vận, sau đó nhân rộng ra 16 buôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Thành viên tổ dân vận gồm các đồng chí trong cấp ủy, ban tự quản, chi hội trưởng các đoàn thể, già làng, người có uy tín. Tổ dân vận đã phối hợp chặt chẽ với Đội công tác 253 thị trấn Ea Kar tổ chức phát động quần chúng. Các tổ dân vận đã xây dựng mối quan hệ gắn bó với buôn, tích cực vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp sức, hiến đất xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hòa cùng nhịp sống đô thị của thị trấn Pơng Drang (huyện Krông Búk) nhưng các hộ dân tộc thiểu số tại tổ dân phố Cư Blang vẫn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa của cha ông.

Mẹ truyền - con nối là một trong những cách lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của gia đình bà H’Binh Niê. Năm nay đã 90 tuổi nhưng bà H’Binh vẫn miệt mài bên khung cửi, dệt những bộ quần áo, tấm chăn tinh xảo từ kiểu dáng đến đường nét hoa văn. Mong muốn dệt thổ cẩm không mai một, bà H’Binh luôn động viên, chỉ dạy con cháu duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình. Hiện 10 thành viên trong gia đình ba thế hệ của gia đình bà đều biết và yêu thích dệt thổ cẩm.

Bà H’Binh Niê ở thị trấn Pơng Drang (huyện Krông Búk) hướng dẫn các cháu dệt thổ cẩm.

Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay bến nước vẫn là tài sản quý của tổ dân phố Cư Blang. Dù gia đình nào cũng có nước giếng hoặc nước máy để sử dụng nhưng người dân nơi đây vẫn giữ thói quen sáng sớm đến bến nước lấy nước về sinh hoạt. Đây cũng là lúc mọi người gặp gỡ, chuyện trò vui vẻ, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Năm 2019, cùng với sự hỗ trợ của UBND thị trấn Pơng Drang, người dân đã đóng góp thêm kinh phí mở đường bê tông xuống bến nước, góp phần tôn tạo, gìn giữ bến nước sạch đẹp.

 

“Đắk Lắk cần dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín. Từng thôn, buôn của tỉnh vững mạnh thì tỉnh mới ổn định, phát triển bền vững, toàn diện” - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi.

Ông Y Tun Niê, Tổ trưởng tổ dân phố Cư Blang cho biết, từ khi có đường bê tông, bà con xuống bến lấy nước sinh hoạt thuận tiện hơn. Ai cũng ý thức gìn giữ không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Nhờ vậy, trải qua hàng chục năm bến nước vẫn ngày đêm tuôn chảy dòng nước trong vắt.

Đổi mới, làm giàu

Diện mạo buôn làng xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Các công trình phúc lợi được đầu tư ngày càng nhiều, hệ thống điện, đường, trường, trạm… được nâng cấp và mở rộng, tạo thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán. Những ngôi nhà xập xệ, tạm bợ dần được thay thế bằng những căn nhà xây vững chắc và kiên cố. Nhiều hộ mua được ô tô, máy cày phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Con em đều được đến trường.

Ông Y Biôl Knul, Bí thư Chi bộ buôn Tiêu cho hay, toàn buôn có 98% là người dân tộc thiểu số nhưng bà con không trông chờ ỷ lại vào chính quyền. Người dân bảo ban nhau làm ăn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ai không có đất sản xuất thì học nghề rồi xin vào làm việc cho các công ty, thu nhập ổn định.

Huyện Cư Kuin hiện có 16 dân tộc anh em chung sống tại 102 thôn, buôn thuộc 8 xã, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 32% dân số. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư Kuin Trần Văn Quế, xác định vai trò “hạt nhân” của các thôn, buôn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bà con các thôn, buôn được đào tạo nghề sơ cấp miễn phí, vay vốn ưu đãi, tạo việc làm để không phải “ly hương”. Toàn huyện hiện chỉ còn 749 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo (chiếm 9,56% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện).

Đồng bào H'Mông đã có cuộc sống an cư, ổn định trên vùng đất Cư Pui, huyện Krông Bông.

Nơi vùng đất khó Cư Tê, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã có những vườn cây trăm triệu đồng của nhiều nông dân là đồng bào Mông. Bí thư Chi bộ thôn Cư Tê Hùng Xuân Thành không ngần ngại nêu lên danh sách khá dài của những triệu phú “chân đất” trong thôn, trong đó cái tên đứng đầu là Hùng Đình Khàng. Cũng như nhiều gia đình khác, khi mới vào Cư Pui, cuộc sống của gia đình ông Khàng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Không chịu khuất phục đói nghèo, ông Khàng mày mò, tìm hiểu về cây trầm hương và đã đưa loài cây quý này về trồng từ năm 2008. Đến năm 2016, 2 ha trầm hương của gia đình ông đã cho thu hoạch với mức trung bình 350 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Với quyết tâm đổi đời, ông Khàng còn trồng thêm 2 ha cà phê và 1,5 ha cây keo lai. Đa dạng hóa cây trồng đã đem lại lợi nhuận ổn định cho gia đình ông khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Ông Khàng không chỉ mua được các loại máy móc phục vụ sản xuất mà còn sắm 2 xe tải nhỏ chở gỗ và 5 chiếc xe máy các loại phục vụ đi lại. Thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con trong và ngoài thôn đã tìm hiểu, làm theo và ngày càng nhiều người có của ăn, của để.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Bông H’Kim Rơ Chăm, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đã tạo ra sự thay đổi vượt bậc về diện mạo các thôn, buôn và đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giảm trung bình từ 4,5 - 5,5%/năm.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xuân Lan – Chuyên Quỳnh


Ý kiến bạn đọc