Multimedia Đọc Báo in

Đối thoại đối ngoại: Diễn đàn tháo gỡ khó khăn cho cơ quan, tổ chức

05:49, 29/10/2024

Với tinh thần thẳng thắn và cởi mở, lần đầu tiên, Sở Ngoại vụ đã tổ chức chương trình đối thoại giữa sở với các cơ quan, tổ chức tham gia công tác đối ngoại của tỉnh.

Giải đáp những băn khoăn, vướng mắc

Tại chương trình đối thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Y Thức Êban và ông Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ Ban Quản lý dự án (BQLDA) hỗ trợ phát triển Krông Bông bày tỏ băn khoăn: Khi đoàn nước ngoài vào là người Việt Nam, thuộc tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) mong muốn đến làm việc tại huyện về dự án đang triển khai, quá trình trao đổi, làm việc về dự án với BQLDA đều liên hệ qua email thì có đủ cơ sở để UBND huyện thực hiện thủ tục xin đoàn vào hay không?

Theo quy trình xin đoàn vào phải làm công văn, tờ trình các cấp, quy trình này khá lâu, trong khi một số trường hợp cần trả lời gấp, nếu theo trình tự trên sẽ không kịp đoàn vào, liệu có cách nào xử lý nhanh cho những trường hợp gấp không?

Đại diện Simexco Daklak chia sẻ vướng mắc tại chương trình đối thoại.

Tiếp nhận ý kiến, lãnh đạo Sở Ngoại vụ giải đáp: Việc chấp nhận hình thức trao đổi nào giữa chủ dự án và nhà tài trợ do hai bên quyết định; chủ dự án vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm chính về thông tin đoàn vào. Việc thực hiện thủ tục đoàn vào thuộc trách nhiệm của chủ dự án, Sở Ngoại vụ chỉ xử lý đoàn vào trên cơ sở văn bản đề nghị của chủ dự án. Sở Ngoại vụ luôn tập trung giải quyết sớm các đề nghị đoàn vào để tạo thuận lợi cho các hoạt động của dự án, kể cả đoàn vào rất gấp có thể xử lý trong ngày. Việc thông báo đoàn vào không chỉ là thủ tục theo quy định, mà còn phục vụ mục tiêu quản lý của các cơ quan khác có liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh…

Chị Võ Thị Thu Thảo, đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) nêu bất cập: Simexco Daklak là doanh nghiệp của Đảng, chủ sở hữu là Tỉnh ủy Đắk Lắk với ngành nghề kinh doanh xuất khẩu nên Ban lãnh đạo công ty thường xuyên phải đi công tác nước ngoài.

Tại Quy chế 05-QC/TU có nêu, việc đi công tác của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý không được thực hiện quá 2 lần trong 1 năm; không bố trí 2 lãnh đạo chủ chốt trở lên của một cơ quan, đơn vị cùng tham gia một đoàn công tác nước ngoài, thời gian công tác nước ngoài mỗi nước không quá 3 ngày, mỗi chuyến không quá 3 nước.

Quy định trên hiện chưa phù hợp với công ty kinh doanh xuất khẩu như Simexco Daklak. Ngoài ra, đối với khách hàng người nước ngoài (khách lẻ) không có chương trình đến làm việc với công ty, đột xuất muốn đến công ty thỏa thuận mua bán thì công ty có được phép tiếp khách hàng khi chưa xin phép Sở Ngoại vụ không?

 

Sau buổi đối thoại, Sở Ngoại vụ sẽ báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai những nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với các cơ quan Trung ương tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định về công tác đối ngoại bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao trong tổ chức thực hiện".

 
Giám đốc Sở Ngoại vụ Phạm Văn Phước

Giải đáp câu hỏi của Công ty Simexco Daklak, lãnh đạo Sở Ngoại vụ giải thích rõ, điểm 1.4 khoản 1, Điều 13, Quy chế số 05-QC/TU có đề cập nội dung “trường hợp quan trọng, thật sự cần thiết trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”. Do đó, trường hợp Công ty Simexco Daklak cần cử 2 lãnh đạo chủ chốt làm việc ở nước ngoài, đề nghị công ty nêu rõ sự cần thiết cử thành phần tham gia tại văn bản xin phép đoàn ra và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Khi khách hàng đột xuất đến công ty thỏa thuận mua bán cũng là đến làm việc tại công ty. Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 16, Quy chế số 05-QC/TU, thì Công ty Simexco Daklak vẫn phải có văn bản xin phép đoàn vào gửi Sở Ngoại vụ. Đối với các trường hợp xin đoàn vào gấp, Sở Ngoại vụ luôn tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng để bảo đảm thuận lợi cho các doanh nghiệp...

Củng cố thêm thông tin, kiến thức bổ ích

Cùng với lắng nghe, giải đáp vướng mắc, lãnh đạo Sở Ngoại vụ cũng đã chia sẻ, củng cố thêm nhiều thông tin, kiến thức bổ ích cho các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác đối ngoại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức PCPNN. Lãnh đạo Sở Ngoại vụ chia sẻ một số quy định để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương nắm thông tin về việc hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Theo đó, theo khoản 1, Điều 8 của Nghị định 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về “Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam”, tổ chức PCPNN được phép hoạt động tại địa bàn và theo lĩnh vực quy định trong Giấy đăng ký.

Theo khoản 3, Điều 2 của Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về “Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam” thì bên tiếp nhận viện trợ trong nghị định này là các cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Y Thức Êban nêu ý kiến tại chương trình đối thoại.

Đối với việc ký kết thỏa thuận viện trợ giữa tổ chức PCPNN và đối tác tại tỉnh, bên ký kết phải thuộc đối tượng được phép tiếp nhận viện trợ theo khoản 3, Điều 2, Nghị định 80. Việc ký kết (kể cả trước hoặc sau khi dự án được phê duyệt) phải do đối tác tại tỉnh trình xin ý kiến UBND tỉnh trước khi tiến hành ký kết theo quy định của Quy chế số 05 ngày 28/4/2020 của Tỉnh ủy về quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.