Multimedia Đọc Báo in

“Hãy nhớ lấy lời tôi!”

05:48, 29/10/2024

Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người từ chân lý sinh ra…

Đó là những lời thơ Tố Hữu dành cho người anh hùng đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara tại cầu Công Lý cách nay 60 năm: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Trỗi.

Anh Trỗi sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 16 tuổi, anh vào Sài Gòn học nghề  và làm công nhân tại Nhà máy điện Chợ Quán.

Đầu năm 1963, anh Trỗi gặp và yêu chị Phan Thị Quyên. Giữa năm đó, với lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, anh trở thành chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Năm 1964, biết tin phái đoàn của McNamara đến thị sát tình hình thực tế nhằm chuẩn bị leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam, lực lượng biệt động Sài Gòn liền vạch kế hoạch tiêu diệt. Lúc này anh Trỗi mới lập gia đình nên không được cử tham gia. Tuy nhiên, anh kiên quyết đòi ra chiến đấu, nhờ người ký thay vào sổ quyết tử. Ngày 9/5/1964, khi vừa đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, chưa kịp chuẩn bị xong thì anh cùng đồng đội bị địch bắt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh tư liệu

Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng anh Trỗi vẫn giữ khí phách hiên ngang, kiên quyết không khai ra tổ chức, nhận mọi trách nhiệm về mình để bảo vệ tính mạng đồng đội. Ngày 11/8/1964, anh bị tòa án của chính quyền Nguyễn Khánh tuyên án tử hình. Tại pháp trường, anh bình thản giật bỏ khăn che mặt xuống rồi nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, anh Trỗi bị xử bắn tại khám Chí Hòa khi mới 24 tuổi. Trước lúc hy sinh, anh hô vang: Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!

Ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Có một chi tiết liên quan đến sự kiện này, lúc bấy giờ, lực lượng vũ trang giải phóng dân tộc Venezuela (FALN) đã lên kế hoạch bắt cóc tùy viên quân sự Mỹ Smolen nhằm đòi Nhà Trắng trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi. Mỹ tuyên bố đồng ý với điều kiện của FALN nhưng trên thực tế đã mở chiến dịch săn lùng. Ngay sau khi Smolen được thả 3 ngày, anh Trỗi đã bị chế độ cũ xử bắn.

Ông Martínez là một thành viên nằm trong nhóm 12 người của FALN tổ chức bắt cóc Smolen. Sau khi anh Trỗi bị tử hình, ông Martínez cũng bị bắt và tra tấn dã man, bị tuyên án 12 năm tù. 12 thành viên FALN tham gia vụ bắt cóc Smolen năm đó đều bị bắt và một người đã hy sinh. Với du kích quân Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn. Ông Martínez từng khẳng định việc bắt cóc sĩ quan Mỹ là hành động thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam, với thế giới tiến bộ.

Ông Martínez nói: “Tôi rất buồn khi nghe tin Nguyễn Văn Trỗi bị tử hình, nhưng ông ấy không bao giờ chết. Ông ấy sống mãi. Người chiến đấu vì sự sống không bao giờ chết cả. Khi biết tin ông ấy vẫn bị xử tử, tôi rất đau đớn vì thực sự chúng tôi đã hy vọng là có thể thay đổi được tình hình”.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(Video) Người dân bức xúc vì Tỉnh lộ 2 thi công dang dở
Tỉnh lộ 2 (đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana) được thi công nâng cấp mở rộng khiến người dân địa phương rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, sau hơn hai năm thi công, đến nay vẫn còn hơn 1 km còn dang dở khiến việc lưu thông và sinh hoạt của người dân hai bên đoạn đường này gặp rất nhiều khó khăn.