Khát vọng thái hòa
Hòa bình là ước mơ, khao khát từ nghìn xưa của cha ông ta. Có thể thấy điều này suốt chiều dài lịch sử và quan niệm của những vĩ nhân.
Một bậc đại trí, đại nhân như Nguyễn Trãi khi được vua Lê Thái Tông giao cùng soạn lễ nhạc với Lương Đăng đã cẩn tấu: “Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”.
Lễ nhạc chính là văn hóa và một nền văn hóa tiến bộ, nhân đạo nhất thiết phải gắn bó với lý tưởng hòa bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Wilhelm Pieck (người thứ nhất từ trái sang) và Thủ tướng Otto Grotewohl trong chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức của Người vào tháng 7/1957. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng yêu chuộng hòa bình. Thời trẻ khi còn hoạt động ở nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã từng kêu gọi: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ - phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư?”.
Khi thế giới phân cực, tranh chấp và nguy cơ chiến tranh hiện hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì theo đuổi đường lối hòa bình, coi đó là thượng sách giải quyết vấn đề giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các xu hướng chính trị khác nhau. Theo Người, cần chung sống hòa bình, cần hòa hợp với nhau trong sự đa dạng, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh thì cũng là vì vạn bất đắc dĩ, cho dù đó là chiến tranh chính nghĩa: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”.
Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, đất nước lại tạm thời bị chia cắt hai miền vào năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhất quán trong quan điểm đề cao giá trị, ý nghĩa của hòa bình nhưng phải là một nền hòa bình thực sự cho dân tộc. Người khẳng định một cách rõ ràng và kiên định: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhưng hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hòa bình thực sự thì phải có độc lập thực sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hòa bình”.
Năm 2019 có một cuộc triển lãm quan trọng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức mang tên “Khát vọng hòa bình trong nghệ thuật Lê Bá Đảng”. Xin nhắc lại một chi tiết lý thú, họa sĩ Lê Bá Đảng là một trong những Việt kiều vinh dự ra tận sân bay quốc tế của Pháp ở thủ đô Paris đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người được Pháp mời làm thượng khách vào năm 1946. Trong các chủ đề được trình bày tại triển lãm có 2 chủ đề liên quan trực tiếp đến khát vọng hòa bình, đó là: “Nạn chiến tranh” và “Chống chiến tranh ở Việt Nam”. Xuất thân là một người dân quê Quảng Trị, Lê Bá Đảng bị thực dân Pháp bắt đi làm lính thợ và thấu hiểu những bi kịch chiến tranh, nên khi thành họa sĩ lớn, ông vẫn không ngừng theo đuổi chủ đề hòa bình trong sáng tác mỹ thuật của mình.
Nhà văn uyên bác, tài hoa hàng đầu trong thể ký Hoàng Phủ Ngọc Tường từng suy ngẫm rất nhiều về lịch sử, để rồi chiêm nghiệm, viết ra những áng văn thấm đẫm trí tuệ, trải nghiệm và nhân tình. Ông có những liên tưởng bất ngờ và sâu sắc: “Cuối cùng đất nước vẫn đi tới hòa bình, không phải bằng con đường ngắn nhất như ngày ấy tôi vẫn tưởng, mà phải còn vòng qua lửa đạn mịt mù. Chiến tranh vẫn thao tác đúng với luật lệ khắc nghiệt; và với một nòng súng đang nã đạn, không ai có thể ngưng lại để làm thành lưỡi cày. Nhưng không phải vì thế mà hy vọng mất đi ý nghĩa muôn đời của nó…” (“Dệt gấm” với thủy quân lục chiến ở Cửa Việt).
Còn nhà thơ lớn Chế Lan Viên, một nhà thơ chính luận xuất sắc, một con người thông tuệ và tinh tế, một sức nghĩ và sức viết đầy trọng lượng đã có những suy tư về hòa bình, thống nhất cũng thật ấn tượng và thuyết phục. Ông đã viết trong tùy bút “Ý thức trước mùa hoa”: “Yêu say mê cái đẹp, nhưng khi cái đẹp quá đẹp, quá nhiều, hình như lòng tôi lại do dự, chần chừ! Mình có quên mình đi chăng, quên công việc trên mỗi chúng ta còn rất nặng? Hoa quá đẹp, quá nhiều phảng phất cho ta cái cảm giác một thứ hạnh phúc gì đến hơi quá sớm với mình? Nhưng rồi tôi đã yên lòng! Sao lại còn quá sớm, hạnh phúc đó con đường ta đi đến nó đã 30 năm. Máu và hoa. Con đường dẫn đến hoa lúc này phải đi qua bao xương máu chứ phải bỗng dưng mà ta được hưởng!”.
Một dân tộc chịu quá nhiều đau thương, mất mát bởi chiến chinh như Việt Nam thì khát vọng thái hòa càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đó cũng là ước nguyện của dân tộc và cũng là giấc mơ nhân loại!
Tùy bút của Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc