Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến vào nội dung dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật

10:53, 30/10/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, chiều 29/10 các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật). Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận tại Tổ 13 với nhiều ý kiến, đề xuất.

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với việc dùng 1 luật sửa 7 luật để đáp ứng được yêu cầu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là theo Nghị quyết 93 của Chính phủ ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lập pháp, đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. 

Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, bày tỏ băn khoăn về điều kiện đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm 1, Điều 11, đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc kỹ và có đánh giá tác động đầy đủ hơn nếu quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức mới được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bởi trên thực tế hiện nay có đến 90% nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư cá nhân và đây là một kênh đầu tư chứng khoán phổ biến, thường xuyên của các nhà đầu tư cá nhân, giúp huy động vốn cho các doanh nghiệp… 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) tham gia thảo luận tại Tổ 13. Ảnh chụp màn hình
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) tham gia thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh chụp màn hình)

Về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đại biểu đồng tình với việc sửa đổi thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 211 của Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên đại biểu cho rằng không cần thiết bê nguyên về hành vi này đưa vào Bộ luật Hình sự mà cần phải tính toán để quy định được đầy đủ, hoàn thiện mà vẫn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, tránh vấn đề bỏ lọt hành vi vi phạm.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị, tại Điều 16 khoản 2 và Điều 3 về những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán, nên gộp với nội dung về người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính kế toán mà chưa được xóa án tích tại điểm c với người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên tại điểm d để tránh cách hiểu trùng lặp.

Đối với nội dung về Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu nêu rõ: Tại khoản 10 Điều 8 về việc chi đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước và các hoạt động đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, các chương trình dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; sẽ được tổng hợp báo cáo với cấp có thẩm quyền vào cuối kỳ trung hạn (tức là tại khoản 1 Điều 4 dự thảo luật).

Đại biểu cho rằng, cần thiết phải có quy định đối với dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn, như các dự án cần chi vốn đầu tư để khắc phục trong những tình trạng khẩn cấp về thiên tai, bão lũ mà chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc quy định chung chung là “thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước” thì cũng cần phải tính toán thêm, bởi quy định này cũng chưa thật cụ thể, sẽ khó áp dụng trong thực tiễn và có thể tạo ra xung đột đối với các quy định về vốn đầu tư công trung hạn của Luật Đầu tư công. Vì vậy đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn hoặc có thể xây dựng những quy định do Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ phù hợp, cụ thể và có tính khả thi cao hơn.

Về nội dung bổ sung điểm d khoản 9, Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước theo hướng được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ cơ quan cấp trên đóng trên địa bàn hoặc địa phương khác tại khoản 2 Điều 4 dự thảo luật, đại biểu cho rằng, quy định này sẽ làm thay đổi nguyên tắc chi theo quy định hiện hành, đó là không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho các nhiệm vụ của địa phương khác, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước. Nếu quy định như vậy thì có thể dẫn đến những xáo trộn và tác động không nhỏ đến vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay.

Theo đại biểu, cần phải cân nhắc về việc đề xuất luật hóa quy định này do chưa có đầy đủ cơ sở thực tiễn, bởi nội dung này mới đang thực hiện thí điểm để đánh giá, đúc rút kinh nghiệm. Vì vậy đại biểu đề nghị, chưa triển khai phổ biến giữa các địa phương và chỉ nên áp dụng đối với những dự án công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính của địa phương, các dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) đóng góp ý kiến thảo luận. Ảnh chụp màn hình
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) đóng góp ý kiến thảo luận. (Ảnh chụp màn hình)

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) nêu rõ: Tại Điều 4, đối với việc sửa đổi luật lần này, cho phép được sử dụng vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác trong việc đầu tư xây dựng dự án công trình trọng điểm liên kết vùng, liên kết quốc gia. Đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo và cho rằng đây cũng là bước để tháo gỡ những điểm nghẽn và những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với việc chi ngân sách.

Đại biểu đề nghị, đối với quy định có thể hỗ trợ nguồn ngân sách cho các địa phương khác đối với các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở những công trình trọng điểm, thì cần bổ sung thêm đơn vị. Ở đây dùng thuật ngữ địa phương để hiểu rằng là giữa một địa phương này đối với địa phương khác – một cấp hành chính này với một cấp hành chính khác; nhưng thực tiễn ở các địa phương ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa và riêng tại Đắk Lắk có triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ kết nghĩa với các đồn biên phòng, đồn biên giới.

Như vậy có những công trình, dự án, chương trình, những nhiệm vụ rất quan trọng mà đơn vị kết nghĩa có trách nhiệm hỗ trợ, hay những dự án trọng điểm để đảm bảo về nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Do vậy, nếu chỉ quy định đối với địa phương mà không có các đơn vị, thì cũng sẽ rất khó khăn cho địa phương khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các đơn vị như đồn biên phòng…

Ngoài việc có sự hỗ trợ từ các địa phương khác cho việc xây dựng các dự án công trình trọng điểm, liên kết vùng, các liên kết quốc gia, liên kết quốc tế có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm hai nhiệm vụ rất quan trọng - đó là an ninh quốc phòng và khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, bên cạnh việc hỗ trợ từ các địa phương khác nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thì nhiệm vụ quân sự quốc phòng cũng rất quan trọng; đồng thời việc hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ cũng cần được triển khai hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng. Như vậy, nếu đưa vào trong quy định này sẽ giúp cho việc thực hiện được thuận lợi, dễ dàng hơn…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc